Tin vào màn kịch do nhóm đối tượng dựng nên, người phụ nữ bị lừa hơn 800 triệu

06:13 28/10/2018

Ảnh minh họa

 Ngày 27/10, thông từ Công an tỉnh Trà Vinh, Cơ quan CSĐT nơi đây đang điều tra một nhóm người >lừa đảo chiếm đoạt 838 triệu đồng của chị T.Y.N (29 tuổi ngụ tỉnh Trà Vinh) thông qua điện thoại.

Theo nội dung sự việc, ngày 17/10, trong lúc đang làm việc tại cơ quan thì chị N. nhận cuộc điện thoại với nội dung thông báo: một người cùng cơ quan đã có đơn tố cáo sai phạm đối với chị, để biết rõ nội dung vụ việc thì chị N. bấm phím số 9 để gặp cán bộ văn thư TAND TP Hồ Chí Minh.

Tin lời, chị N. làm theo hướng dẫn. Sau đó, vị “cán bộ văn thư TAND” này cho biết,  một tài khoản ATM với thông tin cá nhân là của chị N. được mở tại TP Hồ Chí Minh. Do tài khoản này đang nợ 28 triệu đồng nên ngân hàng đã gởi đơn tố cáo đến tòa án.

Khi chị N., khẳng định mình không mở bất kỳ tài khoản nào tại TP Hồ Chí Minh thì người cán bộ này nói vụ việc đã chuyển qua cho Công an TP rồi cúp máy.

Sau đó, chị N. nhận một cuộc điện thoại khác, đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh và thông báo, có đơn tố cáo chị và đang điều tra đường dây mua bán ma túy tại tỉnh Trà Vinh.

Người này yêu cầu chị N., phải giữ bí mật tuyệt đối vì vụ việc liên quan đến một số cán bộ cấp cao tại tỉnh này.

Tiếp theo, người này gửi qua điện thoại lệnh bắt tạm giam cho chị N. rồi yêu cầu chị mua tai nghe không dây và thuê một phòng trọ để nói chuyện nhằm giữ bí mật.

Lo sợ, nên chị N. đã làm theo. Sau khi thuê phòng trọ xong, chị N. liên tục nhận điện thoại của một số người tự xưng tên Văn, cán bộ tòa án; Thiếu úy Phạm Tuấn Anh, cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh và Phạm Văn Nam, cán bộ Viện KSND TP Hồ Chí Minh.

Qua điện thoại, những người này yêu cầu chị N. chuyển 790 triệu đồng vào tài khoản do họ cung cấp, đồng thời cho biết, số tiền này sẽ được hoàn trả sau khi xác minh xong sự việc. Tin tưởng, chị N. ra ngân hàng chuyển tiền.

Ngày 18/10, người xưng là Phạm Văn Nam nhắn tin yêu cầu chị N. tiếp tục chuyển 100 triệu đồng vào số tài khoản của người thụ lý hồ sơ bên tòa án. Khi chị N. nói chỉ còn 48 triệu thì người này trả lời sẽ bảo lãnh số tiền còn lại và yêu cầu chị chuyển gấp 48 triệu đồng.

Sau đó, người này nhắn cho chị N., ngày 22/10 lên TP.HCM để giải quyết vụ việc. Lo sợ, chị N. xin cho chồng mình đi cùng. Lúc đó, đối tượng yêu cầu chị đưa điện thoại cho chồng và nói: “Vợ anh bị lừa rồi”.

Nói xong, người này cúp máy và sau đó thì không còn liên lạc được nữa.

Theo Cơ quan công an, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có nhiều trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Cơ quan điều tra đã tuyên truyền, cảnh giác thủ đoạn này nhưng nhiều nạn nhân bị sụp bẫy trước màn kịch mà các đối tượng dựng lên.

Theo Lê An/Giao thông