Dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng vẫn có những trường hợp người dân sập bẫy lừa đảo hàng tỷ đồng trên không gian mạng.
Khó tin nhưng có thật, lừa đảo "xưa như trái đất" vẫn có người mắc bẫy
Mới đây, chị T. (SN 1983; HKTT: Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đến Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị T. cho biết có nhận được lời mời làm cộng tác viên làm nhiệm vụ sẽ được hưởng tiền hoa hồng cho một sàn thương mại điện tử.
Khi đặt lệnh làm nhiệm vụ tăng tương tác cho sàn, chị T. sẽ được hưởng hoa hồng. Từ ngày 25/01 đến 30/01/2023, chị T đã chuyển khoảng 2,5 tỷ đồng để làm nhiệm vụ nhưng không nhận được tiền hoa hồng. Lúc này chị T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Trường hợp của chị T. chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của phương thức lừa đảo này. Nhưng điều đáng nói, phương thức lừa đảo này rất... quen thuộc và được cơ quan công an cảnh báo rất nhiều lần.
Với kịch bản diễn đi diễn lại - đánh vào tâm lý cần việc làm nhẹ nhàng, lương cao của bị hại. Ban đầu, các đối tượng lừa đảo trả công vài trăm ngàn để tạo lòng tin. Vài ngày sau, bọn chúng giở thủ đoạn yêu cầu bị hại đặt trước tiền, gọi là tiền bảo lãnh, tiền làm nhiệm vụ... Lần đầu chỉ vài triệu đồng để bị hại dễ dàng chấp nhận. Sau đó, bọn chúng lấy lý do bị hại làm sai lệnh, hoặc thao tác công việc sai, và đưa ra mức phạt, nếu không phải mất tiền đã nạp cho bọn chúng. Bị hại sợ nên buộc phải đóng thêm tiền. Mức phạt từ đó tiếp tục tặng lên đến khi bị hại biết bị lừa đảo thì bọn chúng xóa tài khoản, cắt liên lạc.
Dù xuất hiện dưới nhiều hình thức nhưng thực chất, các phương thức lừa đảo này đều dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp nhưng bị biến tướng, lấy tiền của người vào sau trả lãi cho người trước, đến một thời điểm nào đó khi số tiền huy động đã đủ lớn thì những người đứng đầu đường dây sẽ bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các mô hình này đều có những đặc điểm khá giống nhau: Cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền, đảm bảo lợi nhuận ổn định, bất kể thị trường biến động hay không. Ngoài ra, các đối tượng cũng "bao lỗ", "bao cháy" tài khoản - dù thực tế chưa nhà đầu tư nào được đền bù vì "cháy" tài khoản.
Các đối tượng đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người với cam kết về lãi suất cao. Các đối tượng thường thực hiện hành vi theo hội nhóm, thậm chí có tổ chức. Đặc biệt trong bối cảnh với sự phát triển của công nghệ thông tin, các đối tượng lại càng tiếp cận được với nhiều “con mồi” hơn.
Bên cạnh các đối tượng là sinh viên, thì mục tiêu của các đối tượng lừa đảo theo phương thức này hướng tới còn là phụ nữ nội trợ, không có thu nhập ổn định. Với suy nghĩ ngoài thời gian làm việc nhà, thời gian rảnh kiếm việc làm thêm chị sẽ kiếm được một khoản tiền nên nhiều phụ nữ nội trợ không do dự mà đăng ký luôn.
Đa phần đó là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu kiếm thêm thu nhập đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Thiếu tướng Trần Phú Hà - Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa - cho biết, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra dưới nhiều hình thức như lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, lừa đảo vay vốn qua các ứng dụng, lừa đảo trúng thưởng, đặt cọc mua hàng qua mạng… và đối tượng bị lừa đảo trên không gian mạng chiếm 90% là nữ, chủ yếu là ở nhà.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến điều này, Thiếu tướng Hà cho biết: "Do một bộ phận người dân đặc biệt là phụ nữ, người cao tuổi, còn nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, đầu tư, kinh doanh...".
Tương tự như Thanh Hóa, theo con số thống kê tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), hơn 90% nạn nhân các vụ lừa đảo trên không gian mạng cũng là phụ nữ. Trong đó, số lượng chiếm phần lớn là những phụ nữ không có việc làm, ở nhà nội trợ, chăm con nhỏ... Thường khi sập bẫy kẻ lừa đảo, những người này tìm cách giấu gia đình, người thân việc mình trở thành nạn nhân.
Có thể nói, chưa khi nào các loại tội phạm công nghệ cao lại xuất hiện nhiều trên không gian mạng như những năm gần đây. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc các nền tảng số đã và đang được đưa vào sử dụng nhiều trong các lĩnh vực.
Lợi dụng các nền tảng số, các đối tượng tội phạm đã tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân, một số người sập bẫy kẻ phạm tội cũng chỉ vì lòng tham.
Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.
Thống kê hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Công an thành phố Hà Nội cũng như công an các địa phương đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.