Hầu hết các ca bệnh uốn ván với bệnh cảnh nặng nề đòi hỏi các phương pháp điều trị hồi sức tích cực, thậm chí phải lọc máu, chi phí điều trị hết sức tốn kém và nguy cơ tử vong cao.

Minh Anh (t/h) 10:40 08/10/2024

Nguy kịch do mắc uốn ván từ những vết thương nhỏ

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới liên tục tiếp nhận các ca bệnh uốn ván với bệnh cảnh nặng nề đòi hỏi các phương pháp điều trị hồi sức tích cực, thậm chí phải lọc máu, chi phí điều trị hết sức tốn kém và nguy cơ tử vong cao.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.V.G (nam, 49 tuổi), tiền sử khỏe mạnh, làm nghề thợ mộc ở Bắc Ninh đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai với biểu hiện ban đầu cứng hàm, khó há miệng, khó thở, đi lại khó khăn.


Vết thương ở ngón tay bị hoại tử đen do vi khuẩn uốn ván.

Sau khi được thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nghi nhiễm trùng uốn ván và nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 17/9/2024 với chẩn đoán ban đầu là uốn ván toàn thể - suy hô hấp.

Ngay đêm đó, bênh nhân đã rất khó thở và phải mở khí quản cấp cứu, dùng thuốc an thần liều cao chống co giật, tiêm vắc xin và huyết thanh phòng uốn ván để trung hòa độc tố và thở máy hỗ trợ hô hấp.

Khai thác bệnh sử của bệnh nhân được biết, trước khi nhập viện khoảng 2 tuần, bệnh nhân bị máy bào gỗ cắt qua đốt số 1 ngón thứ 3 tay trái, bệnh nhân không đến bệnh viện mà tự xử lý vết thương và đắp lá tại nhà.

Do chủ quan nên bệnh nhân không tiêm phòng uốn ván sau khi bị thương. Khi vào viện, vết thương ở ngón tay bị hoại tử đen, nghi có chứa dị vật. Bệnh nhân đã được xử lý cắt lọc, rửa sạch vết thương.

Tuy nhiên sau 2 tuần điều trị bệnh tiến triển nặng dần và phải điều trị hồi sức tích cực bằng các phương pháp thở máy, lọc máu, dùng kháng sinh liều cao chống nhiễm khuẩn, vận mạch, bổ sung vi chất, truyền >dinh dưỡng.

Sau nhiều lần hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng nguy kịch: Sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy gan thận cấp, tiêu cơ vân cấp, vô niệu, nguy cơ tử vong cao.


Cấp cứu bệnh nhân mắc uốn ván tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.V.M (nam, 56 tuổi, làm nghề nông ở Hải Dương), nhập viện ngày 27/9/2024 tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng cứng hàm, khó ăn, khó nuốt, không há đước miệng, tăng trương lực cơ toàn thân, đau đầu, mệt mỏi.

Trước đó 1 tuần bệnh nhân có nhọt chín mé ở ngón chân cái nhưng chủ quan lội nước bẩn trong đợt mưa bão vừa qua nên vi khuẩn xâm nhập qua vết thương vào cơ thể. Từ trước tới nay bệnh nhân chưa hề được tiêm phòng uốn ván.

Sau hơn 1 tuần được theo dõi và điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển khả quan hơn. Tuy không phải mở khí quản, thở máy nhưng vẫn còn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn tử vong vì có thể xảy ra các biến chứng suy hô hấp, bội nhiễm trên cơ địa nhiều bệnh nền.

Trường hợp khác là bệnh nhân L.V.T (nam, 56 tuổi, làm nghề nông ở Đan Phượng, Hà Nội), nhập viện ngày 30/9/2024 vào Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng cứng hàm, khó há miệng, nuốt sặc, khó thở, chân tay co cứng, tăng trương cơ toàn thân.

Bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán uốn ván toàn thể. Trước đó 3 tuần, bệnh nhân đi chân đất làm ruộng và dẫm vào đinh có chảy máu, sau đó tự uống kháng sinh và cũng chưa tiêm phòng uốn ván.

Ngay khi vào viện, bệnh nhân được tiêm vắc xin uốn ván và kháng huyết thanh, cắt lọc rửa vết thương bằng ô xy già, loại bỏ dị vật. Qua 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân cũng đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn.

Phòng tránh uốn ván bằng cách nào?

Từ những trường hợp uốn ván nhập viện và điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) vừa qua, có thể nhận thấy rằng không thể chủ quan với những vết thương hở ở tay, chân, tai nạn trong quá trình lao động, sinh hoạt như bị dao cứa, dẫm phải đinh nhọn, sắt, thép, va chạm vào các dị vật bẩn, hoặc tay chân đang có vết thương hở lại dầm trong nước bẩn, tiếp xúc với bùn đất bẩn....

Cả 3 bệnh nhân nêu trên đều chủ quan tự chữa, sơ cứu ở nhà, mà không hề biết là mình đã bị nhiễm vi khuẩn uốn ván. Chỉ khi đã vào giai đoạn toàn phát thì mới đi khám trong tình trạng nặng, tiên lượng khó khăn, bệnh nặng đe dọa tính mạng.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani sống ở môi trường đất bẩn xâm nhập vào cơ thể, trong điều kiện yếm khí (miệng vết thương bị bị kín) vi khuẩn sẽ sản sinh ra ngoại độc tố. Độc tố này rất mạnh xâm nhập vào máu và đi đến các xi-náp thần kinh-cơ và có tác dụng làm tăng mức độ kích thích dẫn truyền gây co cứng cơ và co giật.


Nhiều bệnh nhân mắc uốn ván đã vào giai đoạn toàn phát thì mới đi khám trong tình trạng nặng, tiên lượng khó khăn, bệnh nặng đe dọa tính mạng.

Triệu chứng lâm sàng là sau khi bị vết thương khoảng 1-2 tuần bệnh nhân sẽ có biểu hiện sớm là cứng hàm, khó nhai, khó nuốt, sau đó sẽ cứng cơ, tăng trương lực cơ toàn thân, mức độ nặng sẽ có biểu hiện co giật, toàn thân uốn cong, kèm theo khó thở, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật.

"Nếu không xử trí kịp thời bằng các biện pháp hồi sức tích cực thì nhanh chóng dẫn tới tử vong hoặc có nhiều biến chứng trên các hệ tim mạch, hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa, xương khớp", PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, các đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh uốn ván là nông dân, công nhân chưa được tiêm phòng uốn ván và tiếp xúc nhiều với đất, bùn, nước thải, môi trường chăn nuôi gia súc gia cầm, công trường, trẻ sơ sinh mà trong thời kỳ mang thai mẹ không tiêm phòng uốn ván.

Ngoài ra uốn ván sơ sinh có thể bị lây truyền qua dụng cụ y tế không tiệt trùng khi cắt dây rốn cho trẻ, đây là một thể rất nặng của bệnh uốn ván, tỷ lệ tử vong rất cao.

Để điều trị uốn ván, bệnh nhân cần được điều trị khẩn cấp tại các cơ sở y tế có trung tâm hồi sức tích cực, bệnh nhân cần được theo dõi thật sát sao tình trạng hô hấp và dùng thuốc an thần để khống chế cơn giật, nhanh chóng xử lý vết thương, kháng huyết thanh trung hòa độc tố, giảm tối đa biến chứng, dùng kháng sinh phổ rộng chống bội nhiễm, hỗ trợ thở máy, chăm sóc dinh dưỡng.....

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết, để phòng chống bệnh uốn ván, trước hết cần tiêm phòng vắc- xin, nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao. Trẻ em phòng bệnh uốn ván từ 2 tháng tuổi với liều vắc-xin 6/1 (cần theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan y tế). Phụ nữ mang thai cần tiêm phòng uốn ván vào đúng thời điểm thai kỳ.

Điều đáng chú ý nữa là khi bị thương, trầy xước thì ngay lập tức sát trùng vết thương đúng cách, tránh bịt kín vết thương, và đến cơ sở y tế để được tiêm phòng kháng huyết thanh uốn ván kèm xử lý vết thương bằng cách cắt lọc tổ chức hoạt tử, dập nát, loại bỏ dị vật, rửa ô - xy già. Khi lao động, sinh hoạt cần chế tiếp xúc với bùn đất, vật dụng ô nhiễm, nếu phải tiếp xúc cần có biện pháp bảo hộ như đi ủng, găng tay...

Tại các nông trại, công trường cần có các chất tiệt trùng để sơ cứu như xà phòng, nước rửa tay sát trùng, cồn y tế và thường xuyên vệ sinh môi trường, chuồng trại. Tại các cơ sở y tế, dụng cụ y tế cần được tiệt trùng theo đúng quy định để tránh uốn ván rốn sơ sinh, uốn ván sản khoa.

Theo Nam Anh/Gia đình Việt Nam