Bà Phương Hằng đã đi chấp hành bản án ba năm tù tại một trại giam thuộc tỉnh Bình Dương, đồng thời có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì chiều mai (11/3), TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án> Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.
Trước đó, dù không kháng cáo bản án sơ thẩm, >bà Phương Hằng vẫn được triệu tập đến tòa. Tuy nhiên, bà Phương Hằng đã đi chấp hành bản án ba năm tù tại một trại giam thuộc tỉnh Bình Dương, đồng thời có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Phiên tòa ngày mai sẽ bị hoãn do các bị cáo đồng phạm (là thuộc cấp của bà Phương Hằng) có đơn xin hoãn phiên tòa và đã được tòa chấp nhận.
Dẫn tin từ báo Lao Động, trước đó, vào tháng 9/2023, tại phiên toà sơ thẩm, TAND TPHCM tuyên Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; Đặng Anh Quân (tiến sĩ Luật) 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng Phòng truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) cùng nhận mức án 1 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Sau đó, Đặng Anh Quân, Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Đinh Thị Lan, Đặng Thị Hàn Ni cũng có kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.
Các bị cáo cho rằng, bản án sơ thẩm TAND TPHCM tuyên mức án đối với họ trước đó là quá nặng nên kháng cáo để xin giảm nhẹ hình phạt.
Riêng đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, tòa cũng triệu tập Nguyễn Phương Hằng tới tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo đó, Nguyễn Phương Hằng vẫn đang thi hành án 3 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vì xúc phạm danh dự, uy tín 10 cá nhân, trong đó có Đặng Thị Hàn Ni và nhiều nghệ sĩ.
Theo cáo trạng, bị cáo Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh mạng xã hội xâm phạm đến danh dự 9 người gồm: nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, bà Ðặng Thị Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên và chồng là Lê Công Vinh, bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng khai rằng, những thông tin bị cáo nói trên livestream do nằm mơ, đọc trên mạng, chưa được kiểm chứng. Các buổi livestream của bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại TPHCM nhiều nhất có đến 610.355 lượt xem, 14.000 lượt thích và 5.021 lượt bình luận.
Tại Bình Dương, các buổi livestream của bị cáo Nguyễn Phương Hằng xúc phạm người khác, có người xem nhiều nhất lên đến 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích và 32.000 lượt bình luận.
Trong vụ án này, bị cáo Đặng Anh Quân đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bị cáo Nguyễn Phương Hằng. Trong đó, Quân nhiều lần phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Ngoài ra, 3 bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lí các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khấu để bị cáo Nguyễn Phương Hằng livestream và đăng tải các bài viết lên các trang mạng xã hội theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hằng.