Phát hiện sự việc qua công tác nắm tình hình tội phạm trên mạng internet, ngay sau đó, nghi phạm Phùng Đức Khải đã bị đưa về trụ sở Phòng PA05 - Công an Hà Nội để điều tra, làm rõ.
Khi bị đối tượng sử dụng >clip nhạy cảm để tống tiền, cần phải xử lý như thế nào? Dưới đây là một số chia sẻ của chuyên gia Tâm lý tội phạm, TS Đoàn Văn Báu trên báo Công An Nhân Dân:
1. Bình tĩnh và kiểm tra tính xác thực về việc đối tượng đang giữ clip nhạy cảm
Việc đầu tiên cần làm là phải trấn tĩnh ngay, không vội chấp nhận yêu cầu của đối tượng và phải kiểm tra tính xác thực của thông tin từ đối tượng. Việc này giúp chúng ta đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm mà còn loại bỏ được trường hợp đối tượng không giữ clip nhưng vẫn đe dọa tống tiền.
Có thể kiểm tra bằng cách hỏi đối tượng về các thông tin có liên quan đến clip nhạy cảm mà đối tượng đang giữ. Nếu đối tượng từ chối trả lời, cần phải giả vờ không quan tâm và cho rằng thông tin của đối tượng là không có căn cứ, vì mình không có clip đó, yêu cầu đối tượng chứng minh. Cần phải có thái độ nhẹ nhàng, không nên tỏ thái độ bất cần, thách thức đối tượng.
2. Khôn khéo thương lượng, dùng kế hoãn binh
Sau khi xác định tính xác thực về việc đối tượng đang giữ clip nhạy cảm, cần phải tỏ thái độ hợp tác, sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu của đối tượng, làm cho đối tượng chủ quan mất cảnh giác. Cần phải hỏi rõ yêu cầu của đối tượng như: cần bao nhiêu tiền, phương thức giao tiền, địa điểm giao tiền..
Cần phải dùng kế hoãn binh nhằm kéo dài thời gian, đồng thời làm cho đối tượng nhận thấy khả năng thực tế về việc chúng ta chấp nhận thực hiện theo yêu cầu của đối tượng. Có thể thương lượng với đối tượng nhận tiền nhiều lần vì lý do khó khăn về tài chính hoặc thương lượng với đối tượng về phương thức một bên giao tiền, một bên giao clip, có thể giao 1 lần hoặc nhiều lần.
3. Lập tức trình báo vụ việc cho cơ quan Công an
Cho dù đối tượng đe dọa sẽ phát tán clip nếu phát hiện báo cho cơ quan Công an, ngay sau khi thương lượng với đối tượng cần phải báo ngay với cơ quan Công an. Tuy nhiên, đề phòng trường hợp đối tượng theo dõi, việc báo cho cơ quan công an cần phải thực hiện một cách kín đáo.
Có thể nhờ người thân trình báo hoặc gọi điện cho cơ quan Công an, nói rõ tình thế hiện tại, yêu cầu cơ quan Công an cử người phối hợp xử lý vụ việc tránh bị đối tượng phát hiện. Khi đã được cơ quan Công an tiếp nhận yêu cầu, công việc còn lại là cần phải phối hợp với cơ quan Công an để xử lý vụ việc.
Nên nhớ, chỉ có cơ quan Công an mới có khả năng chặn đứng hành vi tống tiền, thu giữ toàn bộ clip nhạy cảm, giữ bí mật về vụ việc tránh ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự, hạnh phúc gia đình… Vì vậy, trong tình huống này, cho dù bị đe dọa thế nào cũng cần phải trình báo vụ việc, phối hợp với cơ quan Công an để xử lý vụ việc.