Công an đã thu hồi thiết bị vô tuyến mà thuyền trưởng Lê Sen tự ý tháo rời khỏi chiếc ca nô gặp nạn để phục vụ công tác điều tra.

Tini (TH) 14:04 03/03/2022

Liên quan đến diễn biến điều tra vụ chìm ca nô khiến 17 người tử vong ở biển Cửa Đại, theo báo Tuổi trẻ đưa tin, tối 2/3, ông Lê Sen - thuyền trưởng lái ca nô số hiệu QNa-1152 đã tự ý tháo gỡ vô tuyến VHF. Trước vụ việc này, đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ quan điều tra đã thu hồi thiết bị vô tuyến này để phục vụ công tác điều tra vụ tai nạn. Cũng theo công an, lý do ông Sen tháo thiết bị trên ra là sợ nước biển làm hư hỏng. 

Theo chứng nhận đăng kiểm, ca nô QNa-1152 được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS (giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển). Ông Lê Minh Đạo - Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cũng cho biết, ca nô QNa-1152 không bật thiết bị giám sát hành trình AIS nên trạm thu phát tín hiệu AIS trên bờ không bắt được tín hiệu phương tiện. 

Đây là thiết bị rất quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn. Vì vậy, qua xem trên báo chí thấy thuyền trưởng Lê Sen vác máy vô tuyến điện ra khỏi ca nô bị nạn, như vậy là không đúng.

"Vác đi nộp cho cơ quan điều tra thì không sai nhưng chúng tôi không biết ông vác đi đâu. Tốt nhất phương tiện được bảo quản an toàn rồi thì nên giữ nguyên hiện trường, không được tự ý vác thiết bị đi lại, trừ khi nhận thấy nếu để lại có khả năng bị mất, phải báo cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, bảo vệ chứ không tự ý vác đi như vậy" - ông Đạo nói.

Thuyền trưởng Lê Sen tháo thiết bị vô tuyến từ chiếc ca nô bị nạn - Ảnh: Tổ Quốc

Trao đổi với Tổ Quốc, luật sư Trần Bá Học – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc thuyền trưởng tự ý tháo dỡ thiết bị vô tuyến sau khi xảy ra tai nạn chưa phải là hành vi phạm tội gì cả. Đây là hành động diễn ra trong 1 quá trình.

"Nếu cơ quan điều tra xác định vụ tai nạn là vụ án, thuyền trưởng bị xác định là có vi phạm đến mức phải khởi tố hình sự thì hành vi của thuyền trưởng Lê Sen có thêm tình tiết xoá dấu vết ở hiện trường" - luật sư Học nói.

Chiếc ca nô hư hỏng nặng sau khi gặp nạn - Ảnh: Tuổi trẻ

Do đó, hành vi tháo dỡ thiết bị của thuyền trưởng chưa thể nói được gì vì phải căn cứ vào kết quả điều tra để xác định thuyền trưởng có vi phạm quy định nào của luật giao thông đường thủy hay không như vượt quá tốc độ, thời tiết không cho phép loại phương tiện trên di chuyển.

"Sau đó phải xem mục đích tháo thiết bị trên ra khỏi phương tiện trên để làm gì, nếu đã vi phạm tháo để làm cho các cơ quan không xác định được thì đó là tình tiết tăng nặng khi vụ án được xét xử" - luật sư Ngọc nói.

 

Đến 10h, ông Sen về bờ, vác máy bộ đàm sũng nước. Nhiều người nói "nó hỏng rồi", song ông nhất quyết vác về nhà, hy vọng có thể sửa được để tiếp tục bám biển. Nghề biển đã gắn với ông từ năm lên 10 tuổi.

Tini (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe