Liên quan đến sự việc, trên trang cá nhân, mới đây, luật sư Nguyễn Anh Thơm đã có bài viết chia sẻ quan điểm của mình dưới góc độ pháp luật.
Mới đây, vụ việc cháu bé 3 tuổi được phát hiện có 9 dị vật trong đầu khiến dư luận dậy sóng. Được biết, nạn nhân tên Đỗ Ngọc A., trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 18/1, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết đang điều tra nguyên nhân sự việc và đã triệu tập một số người liên quan để xác minh, làm rõ. Cùng ngày ông Vương Trung Kiên, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, cho biết vào chiều ngày 17/1, bệnh viện tiếp nhận một >bé gái 3 tuổi (trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) nhập viện trong tình trạng hôn mê.
Theo ông Kiên, sau khi chụp X-quang nhận thấy trên hộp sọ cháu bé có những dị vật lạ giống đinh, tổng cộng 9 cái. Do tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng và có những dấu hiệu bất thường nên Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã chuyển cháu bé lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Theo báo Lao Động, đại diện Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất cho biết: "Qua khai thác lịch sử bệnh, trước đây 3 tháng, bệnh nhi này từng ngộ độc thuốc trừ sâu và được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương".
Do nhận thấy bé có dấu hiệu bất thường nên phía bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã báo với cơ quan chức năng.
Liên quan đến sự việc, trên trang cá nhân, mới đây, luật sư Nguyễn Anh Thơm đã chia sẻ quan điểm của mình dưới góc độ pháp luật. Theo luật sư, cháu bé 3 tuổi bị nhiều đinh (dị vật) găm vào đầu trong sự đau đớn và tính mạng rất nguy kịch đã gây nên sự xót thương không chỉ ngay người thân trong gia đình mà cả cộng đồng xã hội. Trẻ em là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống sẽ phải bị xử lý nghiêm minh nhất. Sát hại trẻ em là tội ác lớn nhất và không có điều gì có thể để bao biện cho hành vi tàn ác, không còn tính người.
Theo thông tin bước đầu, xác định cháu bé khi vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, chụp phim sọ não thấy có khoảng 9 vật nghi là đinh bắn. Như vậy, có thể thấy cháu bé bị đinh găm vào đầu là do tác động trực tiếp của loại hung khí nguy hiểm gây nên.
Đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu cháu bé bị bạo hành nên ngay sau khi nhận được tin báo từ Bệnh viện, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tra làm rõ nguyên nhân cháu bị chấn thương sọ não và cơ chế hình thành các vết thương để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Để có căn cứ xác định cháu bé bị bạo hành cần đợi kết quả điều tra, xác minh sự việc của cơ quan cảnh sát điều tra. Trong trường hợp nếu xác định cháu bé bị chấn thương sọ não là do bị bạo hành thì đối tượng gây nên sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người. Tội danh và hình phạt được được quy định tại điểm b, n Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra cũng cần xem xét đến trong thời gian trước ngày bị chấn thương sọ não nặng, cháu bé còn có bị bạo hành hay không. Nếu có căn cứ xác định cháu bị bạo hành thì tùy theo mối quan hệ với cháu bé, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Hành hạ người khác hoặc tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại các Điều 140, 185 Bộ luật hình sự.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Nguồn: Facebook luật sư Nguyễn Anh Thơm