"3 năm bên Anh, tôi trở về nước. Sau những gì đã trải qua tôi đã bỏ ý định trở lại Anh làm việc. Cuộc sống bên đó cũng không phải như nhiều người nghĩ, phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí là cả tính mạng", anh H. nói.
Nhiều lần bị cảnh sát bắt vì di cư trái phép sang Anh
Ngày 28/10, theo thông tin từ chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, đến nay tại địa phương này đã có 10 trường hợp trình báo có con em mất tích trên đường qua nước Anh. trong khi đó, tại Nghệ An, đến nay đã có 12 gia đình trình báo.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết quả hay thông tin về nghi vấn có người Việt Nam tử vong trong chiếc xe container chứ 39 thi thể hay không.
Theo tìm hiểu của PV, tại Hà Tĩnh và Nghệ An, số lượng người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài rất lớn. Trong số đó, cũng có khá nhiều người đi nước Anh, bởi theo họ đi Anh tiền lương cao hơn so với nhiều nước.
Để sang Anh, người dân thường chọn đi theo con đường chui, chi phí thấp hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. PV đã tìm gặp một số người đi quốc gia này để nghe họ kể về cuộc sống và lần xa quê làm ăn tại Anh.
Phải mất nhiều lần thuyết phục, anh Nguyễn Xuân H. (xã Cương Gián) mới chịu chia sẻ với chúng tôi về hành trình ám ảnh này.
Người đàn ông kể, thông qua những mối quan hệ bạn bè, năm 2015 anh vào TP. Hồ Chí Minh gặp người môi giới để làm thủ tục sang Anh theo con đường lao động chui.
Đến giữa năm 2015, anh Hoa bắt đầu xuất phát từ Hà Nội sang Nga. Sau đó, từ Nga anh Hoa tiếp tục di chuyển bằng ô tô qua Pháp.
Để di chuyển được từ Pháp sang Anh thì có 2 con đường, một là đi chui vào các container; hai là đi theo dạng “Vip”, tức là ngồi sau cabin ô tô rồi vượt qua eo biển Manche bằng phà để sang Anh qua cảng Calais.
Tại cầu cảng, các cơ quan chức năng tại đây kiểm soát rất chặt chẽ, ngoài con người thì còn có chó nghiệp vụ, máy quét tầm nhiệt nên tất cả mọi người khi vào container đều phải vứt bỏ giấy tờ tùy thân, chỉ đưa chiếc điện thoại “cục gạch” rồi tháo sim ra để tránh bị phát hiện.
“Lúc đầu mình đi theo dạng chui, vào ngồi trong thùng container để di chuyển từ Pháp sang Anh nhưng liên tiếp bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ.
Sau nhiều lần không thành công, mình đã chi thêm tiền khoảng hơn 300 triệu để đi đường Vip từ Pháp sang Anh bằng cách ngôi sau cabin ô tô. Khi đến gần cảng Calais sẽ có người hướng dẫn mình lên các cabin ô tô để di chuyển sang Anh", anh H. nói.
Người này cũng cho biết, đường dây môi giới chỉ sắp xếp đưa lao động đến Anh, còn công việc là do lao động tự liên hệ kết nối. Sang đó, mọi người sẽ làm đủ nghề để sinh sống, cuộc sống chui lủi, trốn tránh cảnh sát và các nhóm cướp.
Với những người muốn có thu nhập cao, họ tìm đến các nơi trồng cần sa, tùy thuộc vào khu trồng nhiều trồng ít mà thu nhập của mỗi người khác nhau.
"3 năm bên Anh, tôi trở về nước. Sau những gì đã trải qua tôi đã bỏ ý định trở lại Anh làm việc. Cuộc sống bên đó cũng không phải như nhiều người nghĩ, phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí là cả tính mạng", anh H. nói.
Không biết mình đang ở đâu, đi về đâu
13 năm lưu lạc ở Anh, anh Phạm Hùng (trú tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tên đã thay đổi) đã được trở về nước an toàn. Anh chia sẻ nếu được cho 100.000 USD để đi lại con đường năm xưa thì anh thà ở nhà chứ không đi lại nữa. Bởi vì hành trình đó quá khổ và anh quá sợ sẽ không có cơ hội sống sót.
Người đàn ông kể, vào năm 2003, gia đình anh đã vay mượn số tiền khá lớn để anh sang Anh làm việc. Trước tiên anh Hùng phải đi Nga bằng hộ chiếu du lịch rồi tiếp tục vượt biên qua Đức và nhiều nước nữa rồi mới tới Anh.
Quá trình này, theo anh Hùng đều có người môi giới dẫn đường, đưa đi nhưng luôn phải chịu cảnh sống chui lủi, trốn tránh lực lượng chức năng.
Mọi sinh hoạt của anh Hùng và những người như anh đều giới hạn trong một nhà kho, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hộ chiếu, giấy tờ tùy thân đều bị thu giữ và tiêu hủy.
Sau khi ổn định, các lao động sẽ được đưa đi bằng nhiều hướng đi khác nhau. Nhưng không ai có quyền lựa chọn. Họ dẫn đi đâu phải đi đó, tất cả đều phải đi bộ vào ban đêm.
Người đi không biết mình đang ở đâu, đi tới đâu. Lúc đi luôn có 1 người đi ngựa phía trước dẫn đường, 1 người đi ngựa phía sau chốt đoàn.
Nói về những người vừa được phát hiện tử vong trong container ở Anh, anh Tuấn cho rằng, công nghệ giám sát hiện đại hơn không chỉ qua hơi thở mà còn có máy quét thân nhiệt.
Có thể, do số lượng người trong container lạnh này quá đông, họ phải để nhiệt độ thấp để tránh máy quét thân nhiệt khiến những người này bị chết lạnh và ngạt.