Theo ông Lợi, Đại úy Lê Xuân Trường là con trai thứ 2 của vợ ông. Trước anh Trường có một chị gái cùng chồng cũng đang công tác trong quân đội.

11:11 16/06/2019

"Tôi đã cầu mong em bình an... nhưng không được nữa rồi"

Chiều tối 15/6, căn nhà 2 tầng của gia đình ông Lê Văn Lợi (75 tuổi - bố Đại úy Lê Xuân Trường, hy sinh trong vụ >tai nạn máy bay IAK-52 hôm 14/6 tại xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) vẫn đông người thân, hàng xóm đến hỏi thăm, chia sẻ.

Nhiều người thân từ nơi xa và hàng xóm vẫn chưa thể tin được Đại úy Lê Xuân Trường đã ra đi mãi mãi.

Anh Nguyễn Văn Liệu (anh họ của phi công Trường, quê ở Bắc Giang) cho hay, đến giờ này, anh vẫn chưa hết run khi nhắc đến việc em trai đã hy sinh.

"Khi nhận được điện thoại báo tin Trường gặp nạn, thực sự tôi đã run hết cả người vì không tin được vào những gì tai mình đã nghe thấy. Tôi đã cầu mong vào sự may mắn sẽ đến với em, cầu mong em bình an... nhưng không được nữa rồi", anh Liệu chia sẻ.

Theo anh Liệu, ngay trong sáng 15/6, thu xếp mọi công việc, anh vội từ Bắc Giang xuống để cùng gia đình chuẩn bị lo các công việc cho anh Trường.

Những người thân, hàng xóm đến hỏi thăm, chia sẻ tại nhà phi công Trường.

Còn theo một số người thân của Đại úy Trường, hồi đầu năm 2019, gia đình gồm 22 người đã từ Hà Nội cùng nhau bay vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để ăn mừng đầy tháng con gái anh Trường.

"Khi đó, Trường có mời anh em họ hàng vào thăm, càng nhiều người vào càng tốt. Thấy, em mời nhiệt tình nên dù chỉ đi 3 ngày nhưng 22 người trong gia đình đã vào để gặp các em và các cháu. Giờ nghĩ lại gia đình mới thấy đó như một điềm để anh em, con cháu được gặp mặt em", chị Phạm Thị Truyền (chị họ anh Trường) chia sẻ.

Cũng theo người thân của Đại úy Trường, trong chuyến thăm đó, anh đã hứa rất nhiều. Từ chuyện cố gắng về thăm nhà thường xuyên hơn, tháng 7 này là tròn 3 năm ngày mất của mẹ, sẽ xin về lâu để tổ chức giỗ, thăm bố, họ hàng...

"Nhưng mọi lời hứa của Trường giờ đã không thể thực hiện được nữa rồi...", anh Hiếu (anh họ của Đại úy Trường) nói trong đôi mắt đỏ hoe.

Phi công Lê Xuân Trường (bìa phải) cùng gia đình chụp ảnh với bố mẹ năm 2006.

Người thân của phi công Trường cho biết thêm, ngay trong tối qua (14/6), 6 người thân trong gia đình gồm chú ruột, chị ruột anh đã từ Hà Nội bay vào Khánh Hòa để phối hợp với đơn vị tổ chức tang lễ.

Cũng theo người thân của phi công Lê Xuân Trường, hiện các công tác chuẩn bị cho lễ viếng, an táng tại quê nhà đang được gia đình, đơn vị, phối hợp với địa phương thực hiện.

Dự kiến vào tối 16/6, sau lễ viếng tại Khánh Hoà, thi thể anh Trường sẽ được hoả táng và chuyển về quê an táng tại nghĩa trang liệt sỹ địa phương vào sáng 17/6.

Lời hứa không thể thực hiện của Đại uý phi công

Với đôi mắt thâm quầng, giọng nói tỏ rõ sự mệt mỏi nhưng ông Lê Văn Lợi vẫn cố gắng tiếp mọi đoàn khách đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên.

Theo ông Lợi, Đại úy Lê Xuân Trường là con trai thứ 2 của vợ ông. Trước anh Trường có một chị gái cùng chồng cũng đang công tác trong quân đội.

Trước đây, ông Lợi là quân nhân trong ngành vận tải không quân và vợ cũng phục vụ trong quân đội nên sau này, anh Trường cũng theo nghiệp của bố vào không quân.

Năm 2006, anh Trường với tính cách ưa mạo hiểm, thích cảm giác mạnh đã quyết tâm thi đỗ vào Trường Sỹ quan Không quân ở Khánh Hoà.

"Dù đôi lúc vợ chồng tôi cũng ái ngại, lo lắng thương con đi học xa, lại trong lĩnh vực nguy hiểm, thêm vào đó, do sinh năm hổ nên tính nóng, người lại nhỏ nhưng hồi đó, Trường rất quyết tâm và thi đỗ", ông Lợi chia sẻ.

Ông cũng nhắc lại, ngày đầu tiên, khi Đại úy Trường được bay chuyến đầu tiên, anh đã rất tự hào gọi điện về khoe bố mẹ và ông bà đã khóc vì thương con và ước mơ của con được thực hiện.

Sau khi ra trường, với thành tích tốt, phi công Trường được giữ lại làm giảng viên của trường Sỹ quan Không quân, rồi lập gia đình. Hiện vợ anh cũng đang công tác tại đơn vị và có 2 con nhỏ.

Cố giữ bình tĩnh sau đó, ông Lợi đã kể lại về sự hy sinh của con trai. Ông nói, trưa 14/6, khi đang ăn cơm, ông nhận được điện thoại của người thân thông báo có sự cố máy bay rơi tại Khánh Hòa nhưng không biết có phải đơn vị của con không.

"Lúc đó, tôi đã có linh tính về một điều gì đó rồi nên vội lấy điện thoại gọi cho con dâu ở trong đó nhưng không liên lạc được. Tôi gọi tiếp cho ông bà thông gia nhưng phải vài cuộc thì mới có người nhấc máy trả lời...", ông Lợi kể với giọng nói nghẹn lại.

Kỷ niệm chuyến bay đơn của Đại uý Trường vào tháng 6/2010.

Ông Lợi nhớ lại, khi đó ông thông gia nói qua điện thoại với giọng có phần hốt hoảng thông báo về việc chuyến bay của anh Trường gặp nạn và đang từ Nha Trang xuống hiện trường. Đồng thời, cho biết, sẽ thông báo tin tức sau.

Nghe xong thông báo của ông thông gia, ông Lợi khựng lại, bỏ dở bát cơm đang ăn. Chừng nửa tiếng sau, ông nhận được tin con trai hy sinh.

Lúc đó tim ông đau thắt lại, người vã mồ hôi, đứng không vững nhưng ông vẫn cố gắng trấn tĩnh lại, lấy gọi điện cho anh em con cháu thông báo tình hình.

"Bình thường ngày nào Trường cũng điện về cho tôi qua zalo để bật hình ảnh bố con, ông cháu nhìn thấy nhau.

Mới cách đây 2 ngày Trường vẫn gọi cho tôi và hứa cố gắng sắp xếp công việc để tháng 7 này về giỗ mẹ dịp 3 năm, thăm bố rồi còn bật hình ảnh để ông được nhìn 2 đứa cháu, đứa nhỏ vẫn còn bò chơi trong nhà.

Thế nhưng không ngờ đó là lần cuối bố con được nhìn mặt nhau và Trường đã mãi mãi không thực hiện được lời hứa nữa rồi...", ông Lợi nghẹn ngào nhắc lại.

Bức ảnh nghĩa thầy trò tình khoang lái của phi công Trường.

Kể thêm kỷ niệm về cậu con trai dũng cảm, ông Lợi nói, dù công tác bận rộn, ở xa nhưng anh Trường luôn quan tâm, lo lắng cho ông, nhất là từ khi bà qua đời cách đây gần 3 năm.

Ông nói, năm nào anh Trường cũng thu xếp thời gian về thăm ông, họ hàng và ông vẫn vào chơi với vợ chồng anh, các cháu.

Ông nhắc lại việc Tết vừa qua do vợ chuẩn bị sinh con thứ 2 nên Trường không về và sau đó, cả nhà gồm 22 người cùng tổ chức một chuyến vào chơi, thăm gia đình anh.

"Hiện nay, chú ruột, chị gái, anh rể và anh em đang vào đón cháu về. Dự kiến tối 16/6, mọi người, vợ con sẽ đưa Trường về đến quê để thứ 2 tổ chức lễ an táng. Trường về lần này sẽ không bao giờ đi nữa mà ở quê mãi với mọi người rồi...", ông Lợi nói nghẹn giọng.

Trước đó, trao đổi với PV, ông Trần Huy Huấn, Đảng uỷ xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng cho biết, đang phối hợp với gia đình, đơn vị quân đội chuẩn bị tổ chức lễ tang cho Trung sỹ Đào Văn Long.

Theo ông Huấn, khi nhận được tin, gia đình và địa phương đều rất bất ngờ và đau xót trước sự hy sinh của Trung sỹ Long.

"Hiện gia đình đã cử một số đại diện vào Khánh Hoà để phối hợp với đơn vị tổ chức tang lễ cho anh Long. Sau khi hài cốt được chuyển về địa phương, chúng tôi sẽ cùng gia đình, đơn vị phối hợp tổ chức trang trọng lễ viếng, an táng", ông Huấn nói.

Theo Hoàng Đan/Trí Thức Trẻ