TP HCM kiên quyết xử lý hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để trục lợi, gây mất trật tự giao thông

06:47 05/03/2018

Sáng 4-3, HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP đã tổ chức chương trình "Lắng nghe và Trao đổi" tháng 3-2018 với chủ đề "Lập lại trật tự lòng lề đường - Trách nhiệm người trong cuộc".

Cán bộ ngại đụng chạm

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận công tác lập lại trật tự lòng đường, >vỉa hè đã được lãnh đạo TP rất quan tâm trong nhiều năm qua.

"Chúng ta thấy TP HCM ngày càng đẹp, càng sạch hơn. Đây là những chuyển biến tích cực song kết quả không đều, có nơi không bền vững. Lập lại trật tự rồi nhưng không giữ được nên gây bức xúc trong nhân dân" - bà Tâm nói. Theo bà, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người dân phải có trách nhiệm trong công tác này.

"Lực lượng dày như vậy, hệ thống chính trị ở đâu cũng có. Tại sao mình bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết nhưng kết quả không được như mong muốn?" - Chủ tịch HĐND TP HCM đặt vấn đề. Bà đề nghị phải mổ xẻ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm của các cấp, các ngành như thế nào.

Dưới góc độ cơ quan giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Vũ Thanh Lưu cho rằng một trong những nguyên nhân là đối tượng được tuyên truyền chưa rõ. Theo ông Lưu, đối tượng cần tập trung tuyên truyền chính là những người có nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè. Bản thân những đối tượng này cũng không có ý thức giữ gìn vỉa hè để được buôn bán lâu dài.

Bên cạnh đó, ông Lưu chỉ ra một số địa phương chưa tập trung, chưa có chiến lược lâu dài, bền bỉ nên lòng đường, vỉa hè cứ bị tái lấn chiếm. Một số cán bộ ngại đụng chạm, khi làm việc chưa quyết tâm nên tâm lý đẩy đuổi, hù dọa là chủ yếu. Hơn nữa, việc xử lý các đối tượng chống đối chưa thật mạnh tay.

Lực lượng quản lý đô thị của TP HCM trong một lần ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè Ảnh: Nguyễn Đông

 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM nêu thêm một nguyên nhân là lương của lực lượng làm công tác này rất thấp, chỉ khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Với mức lương như thế thì khó kêu gọi họ làm lâu dài được, trong khi dễ gặp nguy hiểm. Ông Lưu đề nghị TP nên xem xét lại việc này.

Trong khi đó, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM Trương Lâm Danh khẳng định việc một số hộ tái lấn chiếm vỉa hè không bị xử lý đến nơi đến chốn làm cho dư luận nghi ngờ có sự chống lưng, "bảo kê" của chính quyền phường. Theo ông, đây là điều không tốt.

Phải mạnh tay xử lý

Nhận diện các nguyên nhân, PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, cho rằng cần phân loại các đối tượng đang lấn chiếm vỉa hè để có giải pháp phù hợp. Với nhóm vi phạm là người nghèo, không công ăn việc làm, mưu sinh nhờ vỉa hè, bà Trân đề nghị không nên xóa sổ ngay vì sẽ gây nhiều hệ lụy, bởi đằng sau gánh hàng rong của họ là cuộc sống của cả gia đình.

"Giải pháp không chỉ liên quan đến ngành quản lý đô thị mà ngành chính sách xã hội cũng phải tham gia. Cụ thể là dạy nghề, tạo công ăn việc làm. Đây là một quá trình lâu dài vì không chỉ phải chuyển đổi ngành nghề cho người lớn mà còn phải quan tâm việc ăn học của con cháu họ, để mai kia các em không chọn vỉa hè làm nơi kiếm sống như ông bà, bố mẹ" - bà Trân phân tích.

Riêng với nhóm đối tượng giàu hơn, tổ chức kinh doanh trên vỉa hè để tăng thu nhập, bà Trân cho rằng đây là những người có tiền, thậm chí có lực. Do đó, bên cạnh việc xử lý kiên quyết thì nên "lôi kéo", biến họ thành chủ thể cùng tham gia lập lại trật tự vỉa hè, ắt hẳn có tác động rất lớn.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên ngành phát triển đô thị bền vững Trường ĐH Việt Đức, hiến kế nên tổ chức lại không gian đô thị để tất cả nhu cầu được tối ưu hóa, mở thêm nhiều không gian cho người đi bộ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết chức năng chính của vỉa hè là dành cho giao thông. Trong điều kiện cụ thể ở TP, sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông chỉ là sử dụng tạm, nghĩa là phải có thời hạn chứ không thể vĩnh viễn và phải bảo đảm nguyên tắc trật tự, an toàn cho giao thông.

Theo ông Tuyến, để vỉa hè bị lấn chiếm, trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, yêu cầu của lãnh đạo TP HCM đối với các quận - huyện là kiên quyết xử lý những hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để trục lợi.

"Hành vi lấn chiếm vỉa hè để bán quán nhậu, gây mất an ninh trật tự thì kiên quyết xử lý ngay; không thể để kéo dài rồi tuyên truyền, vận động mãi được" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu. Ông nhấn mạnh nơi nào để mất trật tự, vệ sinh mà chính quyền phường - xã, quận - huyện không xử lý thì phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. Ngoài ra, theo ông Tuyến, đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần có sự đeo bám, kiên trì thực hiện của cả hệ thống chính trị. 

 

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, nghiên cứu các đối tượng sử dụng vỉa hè cho thấy 15% là chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh; 28% là người bán hàng rong tương đối ổn định và 47% là người bán hàng rong lưu động. Đây là những đối tượng khó quản lý, giám sát, xử phạt.

 

 

Cộng đồng trách nhiệm

TP HCM hiện có 4.151 tuyến đường, trong đó hơn 51% không có vỉa hè. Trong số gần 2.271 tuyến đường có vỉa hè thì 772 tuyến vỉa hè trên 3 m, còn lại dưới 3 m.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho rằng muốn quản lý tốt thì không chỉ làm công tác thống kê mà còn phải phân tích theo đặc thù từng tuyến, từng khu để đề ra giải pháp phù hợp. Theo ông Tuyến, có đặc điểm rất lạ là vỉa hè trước trụ sở doanh nghiệp, dù lực lượng bảo vệ chỉ chừng đó người, không có quyền lực về nhà nước nhưng quản lý rất chặt chẽ, ít bị chiếm dụng. Còn vỉa hè trước cơ quan nhà nước lại bị lấn chiếm.

"Kể chuyện đó để thấy trách nhiệm quản lý vỉa hè không chỉ là của chính quyền địa phương mà còn của cơ quan, sở, ngành các cấp cùng cộng đồng trách nhiệm thì mới đem lại hiệu quả. Sắp tới, UBND TP HCM sẽ có một chuyên đề riêng về vấn đề này để tính toán biện pháp quản lý phù hợp" - ông Tuyến khẳng định.

Theo Phan Anh/Người lao động