Hai bên đã dốc cạn vốn liếng, từ ngôn tình, con cái, đến cả mẹ già 70 tuổi ra để đấu bằng sạch, đấu đến sát ván vì cuộc đấu này quyết định ai sẽ là vua của Trung Nguyên.
Vậy là sau hơn 3 năm ồn ào, vụ ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên cũng đi đến hồi kết.
Không còn những lời lẽ hoa mỹ, cao thượng, không còn nước mắt xót xa như từng phô diễn trên truyền thông, đoạn kết của cuộc hôn nhân nghìn tỷ này là một màn bi - hài kịch không hơn không kém: Hai bên gỡ hết mặt nạ, chỉ trích nhau dữ dội, lôi con cái ra làm bia đỡ đạn, cân đong đo đếm tiền và quyền.
Ai cũng nói mình đúng, ai cũng khoe mình có công. Người ngoài chẳng thể thấu suốt nội tình nhưng đến hôm nay cũng có cái nhìn cơ bản về sự việc.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, cho đến giờ vẫn không có "đòn" gì khác ngoài ba chiêu: tạo dựng hình ảnh yếu thế, đem con cái ra mặc cả và tấn công vào nghi vấn >sức khỏe của chồng.
Cả ba chiêu này, hôm nay đều bị ông Vũ lẫn tòa án "đập" cho tơi tả.
Ông Vũ, trong hai ngày qua đã hơn một lần nhắc lại câu nói "đừng đem con cái vào cuộc". Ông rõ ràng muốn tách các con ra khỏi tranh chấp này, một là để tránh các con bị tổn thương, hai là tước đi của bà Thảo lá bài quan trọng trong việc phân chia cổ phần tại Trung Nguyên.
Ông Vũ đồng thời chĩa hàng loạt mũi dùi công kích vào bà Thảo: "Cô chi phối mọi việc khiến các luật sư ngồi ở đây cũng phải kinh sợ", "cô phải sám hối"... Ông cũng không quên xây dựng cho mình hình ảnh của một nạn nhân: "Có ai đem thông tin giả cho công an? Có ai mà đưa chồng vào nhà thương điên? Không còn chút lương tri lương tính nào mà làm như vậy..."
Những đòn này khiến hình ảnh yếu thế mà bà Thảo tạo dựng bấy lâu nay vỡ nát hết, đồng thời giúp ông Vũ tranh thủ được cảm xúc của đám đông.
Mất cả hai đòn tấn công chính, bà Thảo đã tung nốt quân Át cuối cùng. Trong sáng 21/2, bà đã hai lần nhắc tới vấn đề sức khỏe của ông Vũ. Nhưng thật không may cho bà, chủ tọa phiên tòa đã 3 lần khẳng định ông Vũ khỏe mạnh, thông minh, sáng suốt!
Không còn gì để tranh đấu, bà Thảo đã chấp nhận giương cờ trắng, đồng ý rút đơn ly hôn. Nhưng đến lúc này, ông Vũ đã không còn cho bà cơ hội. Vị Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên khẳng định nếu bà Thảo rút đơn thì chính ông sẽ đâm đơn ly hôn.
Vậy là tấm áo tu sĩ đã được cởi bỏ. Vị Chủ tịch Trung Nguyên đã trở lại với bản chất doanh nhân của mình.
Mở màn bằng việc gạt bỏ vai trò của bà Thảo ra khỏi hành trình phát triển của Trung Nguyên, ông Vũ tái khẳng định nhiều lần Trung Nguyên là linh hồn của ông. Và rằng tập đoàn cần phải đi theo đúng tầm nhìn mà ông đã vạch ra.
Biện giải của ông Vũ được hỗ trợ rất lớn bởi kết quả kinh doanh khá ấn tượng của Trung Nguyên. Nó cho thấy ông Vũ đủ năng lực điều hành và phát triển tập đoàn này.
Để chắc chắn quyền lãnh đạo, ông Vũ cương quyết không chia cổ phần cho các con (như đề nghị của bà Thảo là 5%/người con). Thay vào đó, ông chỉ đồng ý cho bà Thảo và các con 30%. Với tỷ lệ này, bà Thảo chẳng những không có quyền chi phối tập đoàn mà còn không có cả quyền phủ quyết các quyết định của ông Vũ.
Đến đây, cuộc chiến về tiền - quyền đã được ngửa bài: Bà Thảo không chỉ muốn đòi tiền mà còn muốn giành lấy quyền điều hành Trung Nguyên. Ông Vũ chấp nhận chia tiền nhưng cương quyết giữ quyền điều hành tập đoàn.
Hai bên đã dốc cạn vốn liếng, từ ngôn tình, con cái, đến cả mẹ già 70 tuổi ra để đấu bằng sạch, đấu đến sát ván vì cuộc đấu này quyết định ai sẽ là vua của Trung Nguyên.
"Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm". Trong cuộc đấu này, dư luận là kẻ bàng quan, đứng xem náo nhiệt, chỉ có người trong cuộc là tổn thương. Dày vò nhất là 4 đứa trẻ, chúng phải nhìn cha mẹ mình "cạn lời" với nhau trước tòa, trước con mắt của bàn dân thiên hạ.
Nhưng đọng lại cuối cùng của cuộc tranh đoạt này là gì?
Có lẽ là lời của ông Vũ: "Tiền nhiều để làm gì, mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?"
Người giàu cũng khóc. Nhưng giữa bao nước mắt chảy ra, giọt nào mới là thật?