Nội dung này nằm trong dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới.
Vào những ngày "đèn đỏ", chị em lao động dù là chân tay hay ngồi văn phòng cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Đôi khi chỉ cần vài phút nghỉ ngơi giữa cơn đau bụng quằn quại cũng có thể giúp cơ thể phấn chấn và không suy nhược.
Thấu hiểu khó khăn này của >lao động nữ, dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất những quy định riêng nhằm bảo đảm quyền lợi cho chị em.
Cụ thể, nhằm cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế.
Khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, được đào tạo thêm nghề dự phòng, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.
Khi khám >sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.
Về việc nghỉ trong thời gian thời gian hành kinh của lao động nữ, theo dự thảo, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng.
Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; số ngày nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.
Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dung lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định trên, người lao động được thanh toán thêm tiền lương ít nhất bằng với tiền lương đã được hưởng đối với thời gian nghỉ và thời gian làm việc không được tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Hi vọng qua nội dung dự thảo trên, chị em đã cơ bản nắm rõ về quyền lợi của mình.