Bài văn tả bác hàng xóm của học sinh lớp 4 vừa chân thực vừa sống động khiến người đọc không thể nhịn cười.
Mới đây cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh chụp bài văn tả bác hàng xóm thu hút sự chú ý của nhiều người. Giọng văn ngây ngô, chân thực của học sinh lớp 4 khiến người đọc không thể nhịn cười.
"Nhà em có bác hang xóm tên là Trịnh Minh Tuấn, lần nào em sang chơi bác cũng cho em đồ ăn. Bác năm nay cũng phải đến hơn 40 tuổi rồi. Bác có nước da màu nâu của da trâu. Bác hay bảo em 'ngăm ngăm da trâu nhìn lâu mới thấy đẹp'.
Mắt bác to, tròn lấp lánh như hòn bi ve. Mái tóc của bác lúc nào cũng dựng ngược lên như bàn chải đánh giày. Tối nào bác cũng cởi trần ra ban công ngồi rít thuốc lào rồi thở ra khói như Tôn Ngộ Không. Chỉ cần nghe tiếng rít thuốc lào là em biết bác vừa ăn cơm xong.
Bác rất chiều vợ, lúc nào cũng nấu cơm, dọn nhà cho bác gái chứ không lười như bố em chẳng bao giờ giúp mẹ làm việc gì. Bác cũng không bao giờ quát mắng vợ mà toàn bị vợ quát lại. Em thấy bác hay dạy anh Bin, con trai bác là phải gọn gàng, sạch sẽ nhưng có hôm sang chơi em lại thấy bác lấy gỉ mũi bôi lên tường, có hôm bác còn lấy khăn lau bàn để lau cốc uống trà. Bác làm nghề xe ôm. Em rất yêu quý bác".
Nam sinh thể hiện năng lực quan sát tỉ mỉ khi lột tả ngoại hình của bác hàng xóm bằng các chi tiết bá đạo như làn da trâu, mái tóc như bàn chải đánh giày, mắt tròn như hai hòn bi ve. Cu cậu còn để ý cả những thói quen hàng ngày của bác như hút thuốc lào, phụ vợ làm việc nhà và dạy con trai học bài. Quả là người chồng quốc dân đúng không nào?
Sau khi khen xong thì cậu bé cũng không quên "bóc phốt" bác hàng xóm hay lấy gỉ mũi bôi lên tường, lấy giẻ lau để lau cốc uống trà và "cà khịa" luôn tính lười của bố. Người đọc không khỏi cảm thán bé trai viết văn miêu tả rất sống động, chân thật và giàu tình cảm.
Hình ảnh gây bão mạng và nhận về nhiều bình luận hài hước từ cộng đồng mạng: "Không biết bác hàng xóm đọc xong sẽ cười hay khóc đây"; "Ôi bị thằng cháu 'bóc phốt' cho biết bao nhiêu người, khổ thân bác!"; "Tả bác hàng xóm nhưng vẫn không quên 'cà khịa' bố"; "Có vẻ bác hàng xóm này là người chồng, người cha tốt đấy chứ nhỉ"...