Khi chị D được chuyển tới Bệnh viện E trong cơn sản giật, không có tim thai nhi khi đo bằng máy Monitor. Thế nhưng điều kỳ diệu đã tới.
Cách đây 6 ngày, chị N.T.T.D (25 tuổi, ở Hà Nội) đã được chuyển tới Bệnh viện E trong tình trạng nguy kịch nhưng may mắn đã được các bác sĩ chạy đua với thời gian cứu sống cả mẹ và con.
Nằm trên giường bệnh chị D vẫn chưa thể tin được vừa mới bước qua được "cửa tử". Dù cả hai mẹ con cùng trong một viện, cách nhau chỉ vài bước chân nhưng chị vẫn chưa được gặp con. Nghĩ lại những gì đã trải qua với mình, người mẹ trẻ vẫn chưa hết bàng hoàng.
Chị D cho biết, chị phải truyền máu theo định kỳ vì mắc căn bệnh về máu (Beta Thalassmia). Suốt quá trình mang thai, chị D cũng rất lo lắng, thường xuyên đi khám thai để biết tình trạng >sức khỏe của cả mẹ và con.
"Tôi đi khám ở phòng khám tư gần nhà thì được bác sĩ cảnh báo huyết áp tăng có nguy cơ tiền sản giật. Chưa tin lắm tôi đi khám một nơi khác bác sĩ thông báo huyết áp bình thường. Cũng vì thế mà tôi chủ quan không theo dõi", chị D nói.
Ngày 07/01/2023, chị đến Viện Huyết học để truyền máu theo định kỳ. Lúc này thai nhi đã được 37 tuần. Dự định truyền máu hết lần này rồi về chuẩn bị đi sinh con. Thế nhưng khi truyền máu xong, ra đến cổng viện, chị D bỗng chóng mặt, trước mắt tối đen rồi ngất, ngã xuống.
"Khi mọi người đưa tôi vào bệnh viện E cấp cứu, tôi vẫn lơ mơ rồi sau đó không còn nhớ gì nữa", chị D nói.
ThS.BS Ngô Văn Thanh (Khoa Sản, Bệnh viện E) người trực tiếp cấp cứu, mổ cho sản phụ D cho biết, khi vào viện bệnh nhân đang mang thai ở tuần 37, phù toàn thân, huyết áp tăng cao và đang co giật liên tục. Về phần thai nhi không còn nghe được tim thai bằng máy Monitor.
Bệnh nhân được chẩn đoán sản giật thể nặng, thai 37 tuần trên nền bệnh lý Beta Thalassemia. Nhận thấy tính mạng của bệnh nhân nguy kịch, êkip đã bật chế độ cấp cứu tối cấp. Chỉ trong 7 phút, bệnh nhân được hội chẩn với 4 chuyên khoa (khoa Sản, khoa Nhi, khoa Ngoại, khoa Gây mê Hồi sức) chuyển bệnh nhân vào phòng mổ ngay lập tức với hy vọng cứu sống cả mẹ và con.
"Thai phụ được tiến hành cấp cứu ngay sau đó bằng ngáng lưỡi, an thần đặt ống nội khí quản. Cuộc phẫu thuật rất nhanh được tiến hành với sự phối hợp các chuyên khoa Sản, Nhi, Gây mê Hồi sức cùng có mặt để mổ cấp cứu ngay, không cần chờ kết quả xét nghiệm", bác sĩ Thanh chia sẻ.
Rất nhanh chóng, một bé trai nặng 2,4kg đã được mổ lấy ra ngoài. Khi thai nhi được mổ ra không có cử động, da nhợt nhạt, trương lực cơ nhão, tim rời rạc khó nghe.
"Với những dấu hiệu của em bé tôi đã nghĩ tới trường hợp xấu nhất. Nhưng khi bế em bé, tay tôi có cảm giác bé vẫn còn sự sống. Ngay lập tức một êkip hồi sức cho cháu bé tại chỗ. Song song với đó một êkip khác cấp cứu cho mẹ. Với những nỗ lực và hy vọng "còn nước, còn tát", 3 phút sau hồi sức, ngón tay cháu bé cử động. Bé bắt đầu ọ oẹ, có phản xạ sự sống, da bắt đầu hồng dần lên.
Khoảng 15 phút sau em bé đã khóc được dù tiếng khóc nhỏ nhẹ. Khi nghe thấy tiếng khóc, 10 nhân viên y tế trong phòng hồi sức đều vui mừng khôn siết. Một cái kết đẹp cho tất cả chúng tôi vì ai cũng nghĩ đến khả năng không cứu được đứa bé", bác sĩ Thanh xúc động nói lại.
Bác sĩ Thanh cho biết, việc cứu được cả mẹ và em bé trong trường hợp này là một kỳ tích, bởi tỷ lệ thai phụ bị sản giật cứu được con chỉ khoảng 30-35%, trong khi nguy cơ tử vong với mẹ cũng lên tới 25-30%.
Hàng năm các bệnh viện chuyên khoa sản và Khoa Sản, Bệnh viện E vẫn tiếp nhận rất nhiều ca bệnh tiền sản giật nhưng sản giật thì ít gặp. Cá nhân bác sĩ Thanh từ năm 2015 đến nay mới gặp 2 ca sản giật.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo: "Thai phụ bị tiền sản giật cần được khám và quản lý thai chặt chẽ tại các cơ sở có chuyên khoa sản và khoa phẫu thuật để tránh các tai biến do tiền sản giật mang lại gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Việc quản lý thai kỳ khi mang thai là rất quan trọng để tránh bị tiền sản giật và biến chứng sản giật, nhất là những người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về máu như Thalassemia hoặc có bệnh lý nền khác khi mang thai".