Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe cho mọi người trong gia đình nói chung và đặc biệt trẻ thơ nói riêng được khỏe mạnh nhất?
Hiện tỷ lệ nhiễm, mắc bệnh và tử vong do Covid-19 của trẻ nhỏ là rất thấp so với các độ tuổi khác. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ cho rằng Covid-19 “thân thiện” hay “ưu ái” với trẻ thơ.
Một điều không tranh cãi, trẻ em là đối tượng chưa trưởng thành về mặt thể chất cũng như chức năng các hệ cơ quan, trong đó có hệ miễn dịch. Điều này ít nhiều khiến các cháu dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn cơ thể trưởng thành. Bé gái 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị lây nhiễm COVID-19 là một đơn cử.
Vậy không nên chủ quan trước các tỷ lệ nêu trên, mà phải thật cẩn trọng bảo vệ mầm non đất nước theo “ba chân kiềng” vững chãi sau:
Bảo vệ từ bên trong
“Bên trong” ở đây được hiểu là các yếu tố sức đề kháng thông qua chế độ >dinh dưỡng, ngủ nghỉ và vận động thể lực hợp lý, khoa học. Qua đó giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng để chống chọi hiệu quả với bệnh tật.
Dinh dưỡng: Cần áp dụng khẩu phần hợp lý về lượng và chất theo độ tuổi theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng để đảm bảo đủ, đúng về chất, lượng và tần suất các bữa ăn, bao gồm 4 nhóm chất cơ bản như bột đường, đạm, béo, vitamin – khoáng chất. Ngoài ra, bộ đôi lợi khuẩn - chất xơ tiêu hóa cũng phát huy tối đa vai trò của mình trong việc giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Bộ đôi chất xơ tiêu hóa và lợi khuẩn: Bộ đôi này hỗ trợ hiệu quả cho quá trình tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa và thải trừ. Qua đó giúp tăng cường hấp thu các dưỡng chất quan trọng, góp phần tích lũy vật liệu cơ bản cho việc xây dựng cấu trúc mô tế bào, hệ cơ quan và tăng trưởng – phát triển cơ thể. Đặc biệt, bộ đôi này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch đường ruột thông qua cân bằng sinh thái và tác động cộng lực – tương hỗ cho nhau.
Chất xơ là thức ăn khoái khẩu cho lợi khuẩn, lợi khuẩn hỗ trợ giúp chất xơ lên men – chuyển hóa, tái hấp thu... Hệ quả của sự cộng lực này là có một hệ vi sinh đường ruột cân bằng, một đường ruột khỏe mạnh. Theo y văn chính thống, đường ruột khỏe sẽ có một hệ miễn dịch đường ruột và miễn dịch hệ thống mạnh. Vì hệ thống hạch bạch huyết biểu mô có mặt ở phần lớn diện tích lòng ống tiêu hóa, đặc biệt là ở ruột già ruột non chính là nơi sinh ra các tế bào miễn dịch và kháng thể, giúp cơ thể tìm ngăn ngừa, tìm diệt các yếu tố gây bệnh như vi trùng, vurus…
Thực phẩm cung cấp nhiều lợi khuẩn và chất xơ tiêu hóa đến từ rau củ quả và các thực phẩm lên men tự nhiên (sữa chua, phô mai…). Ngoài ra, chất xơ tiêu hóa như HMO, FOS, Iinulin và lợi khuẩn Lactobacillus paracasei L. Cacei 431; LGG TM hay BB12 TM trong các sản phẩm sữa và sữa chua men sống là những thành phần đã được chứng minh rất hiệu quả hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Bên cạnh các loại rau xanh, củ quả, các loại động, thực vật có trong tự nhiên thì sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp năng lượng, dinh dưỡng và đa dạng các loại vitamin, khoáng chất dễ hấp thu và được trẻ ưa thích.
Cuối cùng là phải bổ sung đủ nước mỗi ngày cho trẻ: Nguyên tắc đơn giản là không để trẻ khát mới cho uống. Cho trẻ uống nước thường xuyên, từng ngụm một và đặc biệt không được ép trẻ. Uống nước đầy đủ có thể giúp trẻ hoạt động tốt hơn, giúp cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng và luôn vui vẻ.
Ngủ nghỉ - vận động: Tùy độ tuổi mà phải cho trẻ ngủ đủ giấc, ngon giấc, và đủ lâu (8-12 giờ/ ngày tùy độ tuổi), Đảm bảo cho trẻ ngủ ngon và sâu giấc trong khoảng thời gian vàng từ 10 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau.
Cho trẻ vận động và tập thể dục đều đặn, tạo ra các hoạt động bổ ích để giữ tinh thần thoải mái cho trẻ đặc biệt trong là trong thời điểm trẻ không được đến trường và bị hạn chế ra ngoài như hiện nay.
Bảo vệ từ bên ngoài
“Bên ngoài” được hiểu là các yếu tố thời tiết, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt - vui chơi - >luyện tập, vệ sinh cá nhân và các thiết bị - vật dụng mà trẻ tiếp xúc mỗi ngày…
Nhà cửa, phòng ốc, sân chơi của trẻ phải thoáng mát và phải được làm vệ sinh, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc định kỳ mỗi tuần. Đồ chơi, học cụ và các vật dụng trẻ cầm nắm, tiếp xúc hàng ngày cũng như quần áo, dép giầy..., phải được vệ sinh bằng xà phòng, giặt sạch sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Điều kiện nhiệt độ nơi môi trường trẻ sinh hoạt vui chơi, học tập không quá thấp, nên giữ ở khoảng 27oC. Giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết lạnh. Vệ sinh cá nhân, thân thể hợp lý. Tắm gội trẻ mỗi ngày 1-2 lần bằng nước sạch có nhiệt độ tương thích với nhiệt độ cơ thể và môi trường. Vệ sinh răng miệng, súc họng bằng dung dịch chuyên dụng trước, sau khi ngủ và sau các bữa ăn chính.
Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người và tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc gần với người có nguy cơ bị nhiễm bệnh (ho/hắt hơi/chảy nước mũi và hoặc người về từ vùng có dịch) ngay cả khi đó là người thân, ruột thịt trong gia đình. Khi phải đến nơi đông người mà không rõ đối tượng nguy cơ, cần đeo khẩu trang cho trẻ đúng cách và giữ khoảng cách an toàn nhất có thể khi tiếp xúc.
Dạy cho trẻ che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, bảo vệ cộng đồng. Thường xuyên tắm nắng cho trẻ, ít nhất 2 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 10 phút. Thời điểm tắm nắng tốt nhất là khoảng 9-10 giờ sáng, với ít nhất 30 % diện tích da (tay chân và/hoặc lưng và/hoặc bụng) tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời.
Tiêm chủng đầy đủ và kịp thời các loại vac-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia. Ngay sau khi tay trẻ có tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm, giúp hoặc tập cho trẻ rửa tay đúng cách, đủ thời gian (khoảng 30 giây) bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy hoặc các dung dịch sát khuẩn tay chuyên dùng.
Người chăm sóc, nuôi dạy trẻ
Để bảo đảm trẻ được chăm sóc cẩn thận từ bên trong đến bên ngoài, từ mặt thể chất đến tinh thần thì những người chăm sóc, nuôi dạy trẻ chính là những mắt xích hết sức quan trọng.
Chính vì vậy, người lớn ở gần và trực tiếp chăm sóc trẻ cần phải tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn phòng chống dịch bệnh được ban hành bởi hệ thống chính quyền và cơ quan y tế để góp phần giữ cho trẻ một môi trường lành mạnh, ví dụ: vệ sinh thân thể, tay chân khi đi ở ngoài về hoặc trước khi tiếp xúc với trẻ.
Khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở thì cần phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và chủ động cách ly với trẻ cũng như những người khác.
Trên đây là các chia sẻ về “thế kiềng ba chân” vững chãi, giúp chăm sóc trẻ khỏe mạnh trước các nguy cơ về dịch bệnh hiện nay cũng như giúp duy trì >sức khỏe của trẻ ổn định đến lứa tuổi trưởng thành.