3 giờ sáng nay (15/5), gia đình, người thân nghẹn ngào đón thi thể hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, thôn Chánh Khoan Tây, xã Mỹ Lợi, Phù Mỹ- Bình Định) trong niềm tiếc thương vô hạn.
Quan tài được đặt xuống ở nơi trang trọng nhất giữa nhà, người thân vây quanh, mỗi người một vẻ nhưng chẳng ai giấu nỗi sự xúc động. Tiếng khóc than vang thảm thiết. Duy chỉ có anh Thôi là không nghe thấy.
Những giọt nước mắt đang lăn dài trên má bà Nguyễn Thị Ô - mẹ hiệp sĩ Thôi, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông Nguyễn Bỉ (cha ruột anh Thôi) dáng đi khắc khổ của người nông dân hơn nữa >đời sống trong nghèo khó. Thời gian đi qua vô tình để lại trên gương mặt ông những nếp nhăn, cả những lo lắng cho cuộc đời của 5 đứa con vốn sinh ra trong đói khổ.
Trầm ngâm một lúc, ông kể: "Năm 17 tuổi, anh Thôi phải nghỉ học vào Sài Gòn kiếm sống. Từ đó, anh ít khi về quê, 3,4 năm mới về một lần được đâu 7 ngày, rồi lại đi. Đến nay, lăn lộn 25 năm nơi đất khách, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhưng tôi biết cuộc sống nó khó khăn nên không có điều kiện về. Nhiều lần, tôi và mẹ nó khuyên nó về đây để sống với vợ chồng tôi cho đỡ vất vả, cũng có lần nó hứa về, rồi không hiểu nghĩ sao, nó ở lại. Nhiều lần mẹ nó vô thăm, vẫn cho tiền nó chứ bả biết nó không có tiền. Dù lớn, nhưng vẫn là con mình, khó quá thì mình phải lo cho nó chứ biết sao".
Giọng ông nghẹn ngào: Lần trước thằng Thôi về, nó có đem về cái giấy khen của phường. Nghe đâu nó vừa nhận do có thành tích tốt trong phong trào địa phương nơi nó sống. Hỏi ra, tôi mới biết nó vào đấy cũng tham gia bắt cướp, rồi làm hiệp sĩ. Nghe những câu chuyện nó kể, tôi cũng khuyên thôi công việc đó đi, nguy hiểm lắm. Bắt cướp mà, nếu nó không chết thì mình chết. Nó chỉ cười, rồi đi. Tôi đâu biết vào đó nó lại tiếp tục công việc ấy, cho đến ngày xảy ra chuyện như hôm nay.
Nhìn cỗ quan tài, bà Ô bật khóc, tâm sự: Thời trước, ở đây đói khổ, nhà tôi cũng như bà con ở đây chỉ ăn khoai, ăn sắn qua ngày. Không chịu được cảnh đó, nó (anh Thôi - PV) bỏ lên thành phố lập nghiệp. Nhưng trong tay không tiền, không bằng cấp, nó chật vật kiếm sống với đủ thứ nghề. Từ rửa xe, chạy xe ôm...Lâu lâu nó mới về một lần do không có tiền, sợ người khác cười chê. Nhiều lần lên thăm, tôi hay khuyên nó bỏ công việc rồi về sống với ba mẹ nhưng nó không chịu. Rồi nó lấy vợ, sinh con. Nhưng lận đận gì đấy, hai vợ chồng nó li dị. Nằm đêm suy nghĩ, tôi lại khóc, rồi thương cho nó.
Nói về chuyện con làm hiệp sĩ, bà Ô bảo: Nhiều lần nghe nói nó tham gia đội bắt cướp, vợ chồng tôi khuyên can vì nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nó không nói năng gì cả mà chỉ nói là giúp những người dân bị trộm cướp. Làm cha làm mẹ sao không buồn cho được khi rứt ruột sinh nó ra, vợ chồng tôi rất đau khổ, buồn đứt ruột đứt gan nhưng giờ buồn thì nó cũng không sống lại".
Chị Nguyễn Thị Thanh Dung (41 tuổi, vợ cũ của anh Thôi), nghẹn ngào: “Dù hai vợ chồng đã ly hôn vì hoàn cảnh nhưng tôi biết anh ấy còn rất thương mẹ con tôi. Thường những lúc rảnh rỗi hay cuối tuần,anh ấy vẫn đến đưa con trai đi chơi, ăn uống. Trước khi cưới nhau, anh ấy chịu khó làm ăn, sau đó tham gia vào đội bắt cướp. Thấy công việc nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều lần tôi khuyên chồng nên từ bỏ nhưng anh bảo chỉ mong giúp người.
"Những lần trước ảnh về nhà nói bắt được bọn cướp, đòi lại tài sản cho người dân thì mình cũng vui. Nhưng giờ đây, anh ấy đã mãi mãi ra đi, không biết rồi mai đây tôi phải lo cho con thế nào”- nói đến đây, chị Dung ứa nước mắt: “Giờ tôi chỉ mong mình khỏe mạnh, có chỗ ở và công việc ổn định để lo cho đứa con trai 10 tuổi của chúng tôi”
Tấm bằng khen về những chiến tích của anh và nhóm hiệp sĩ TP.Hồ Chí Minh vẫn còn đó, bạn anh, người thân vẫn đó, nhưng hiệp sĩ "Thôi" thì mãi mãi ra đi. Anh nằm đó, vì sự bình yên của mỗi nóc nhà, khu phố. Những sự ra đi ấy, cũng để lại bao nhớ thương tột độ cho những người, như mẹ anh - người đi gần hết cuộc đời, cũng đếm không hết bao lần đã khóc và dường như không còn nước mắt để khóc cho ai.