Theo tinh thần Phật giáo, tu sĩ có được đi thi thể hình, ca hát nhạc tình, làm Youtube kiếm tiền như Tịnh thất Bồng Lai không? Thượng tọa Thích Nhật Từ đã giải đáp.
Hàng loạt cáo buộc xung quanh Tịnh thất Bồng Lai (hay còn gọi Thiền am bên bờ vũ trụ) đã xuất hiện hơn 2 năm nay. Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, xác minh và được dư luận quan tâm. Những người sống tại đây nhiều lần tuyên bố mình tu theo Phật theo một cách cởi mở hơn, tập luyện và đi thi thể hình, hát nhạc tình yêu, làm YouTube kiếm tiền. Kênh YouTube chính đã có hơn 2,1 triệu lượt theo dõi.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN và Trụ trì chùa Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với chúng tôi về hiện tượng này.
Tịnh thất Bồng Lai: Ngụy biện chồng lên ngụy biện
PV: Thưa Thượng tọa, những người trong Tịnh thất Bồng Lai rất nổi tiếng, đặc biệt là qua các cuộc thi thể hình, thi hát, thi diễn hài, kênh YouTube. Theo giáo lý nhà Phật, người tu theo Phật có được phép làm vậy không?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Tịnh thất Bồng Lai, những người ở đó là giả mạo tu sĩ, không phải là Phật tử hay tu sĩ Phật giáo. Nói về giáo lý của người tu Phật với họ là thừa.
PV: Ngoài hình thức tu sĩ chính thức, tôi được biết còn có hình thức tu Phật tại gia?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Tu tại gia là từ chỉ những người Phật tử có ý muốn học theo Đức Phật. Họ có cuộc sống bình thường, để tóc, mặc thường phục, ăn thức ăn ngoài đời, có vợ có chồng, có con. Những người này gọi là tu tại gia hay cư sĩ.
Người tu tại gia được quyền làm mọi thứ người ta muốn, miễn là hành động đó luật pháp không cấm. Luật Phật cũng có một số quy định với người tu tại gia, nhưng luật Phật không cấm người ta tập thể hình hay ca hát, kiếm tiền, hưởng lạc.
Còn có một nhóm khác, là những người xuất gia đúng theo chuẩn nhà Phật, có thọ giới và được thừa nhận, cấp chứng điệp của Giáo hội để làm tu sĩ, có chứng nhận của chính quyền là tu sĩ.
Tuy nhiên, vì lý do >sức khỏe, vì lý do tuổi già, ở chùa không có người chăm sóc, cho nên họ xin phép về nhà để cho người nhà chăm sóc. Trường hợp đó là người xuất gia nhưng sống ở nhà. Họ vẫn thực hiện các nghi lễ tôn giáo, sinh hoạt y như khi ở chùa, vẫn là các tu sĩ hợp pháp, không phải là người tu tại gia.
Thượng tọa Thích Nhật Từ.
PV: Như vậy nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai có thể được gọi là người tu tại gia chứ, thưa Thượng tọa? Những giới luật của Phật giáo đâu có “áp quy định” lên họ?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Như tôi đã nói, người tu tại gia và tu sĩ sống ở nhà là hai khái niệm khác nhau.
Người tu tại gia không cạo đầu, không mặc pháp phục của người tu, không sinh hoạt tôn giáo của người tu. Họ được quyền hưởng thụ cuộc sống, nhảy đầm, tập thể dục, ca hát, tham dự hết mọi hoạt động đời thường, có điều họ tự ý thức được mình là Phật tử, lòng họ hướng về Phật.
Đây chính là điểm để nhóm Tịnh thất Bồng Lai vin vào để ngụy biện. Khi bị chính quyền hỏi tới, khi báo chí tiếp xúc, khi cộng đồng mạng chất vấn, họ nói rằng họ tu tại gia, tức là thừa nhận mình là cư sĩ.
Nhưng khi “bình thường” thì họ xưng là sư thầy, sư cô, chú tiểu. Ông Lê Tùng Vân còn tổ chức truyền đạo, làm lễ quy y cho người khác giống như tu sĩ của đạo Phật.
Khi chính quyền tới, họ nói nơi họ ở là tư gia, ai muốn vào phải bấm chuông, gõ cửa. Khi “bình thường”, ông Lê Tùng Vân nhận đó là chùa, là tịnh thất, là thiền am - dùng những từ ngữ chỉ nơi tu hành chính thức của Phật giáo.
Theo tôi, đó là một hình thức lừa đảo công khai trong nhiều năm, mạo danh người tu hành nhà Phật.
Tu là việc cá nhân, vi phạm pháp luật thì cần xử lý
PV: Họ đâu có che giấu chuyện không thuộc quản lý của Giáo hội, thưa Thượng tọa? Họ còn cho rằng Tịnh thất Bồng Lai không cần được công nhận mới là người tu. Giống cái ly ở trước mặt chúng ta, dù được công nhận hay không công nhận thì nó vẫn là cái ly?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Đó là ngụy biện. Người xưa có câu chuyện như thế này, một thằng ăn trộm lấy một chiếc áo nhà vua mặc vô cơ thể mình để trở thành nhà vua, bản chất vẫn là thằng ăn trộm. Cái ly đó là cái ly, nhưng ly đó là ly gỗ mục, ly inox, ly vàng… nó đâu giống nhau?
Người tu tại gia không cần được thừa nhận, nhưng khi anh dùng thuật ngữ đặc thù của Phật giáo, tự nhận mình là thầy tu mà không trải qua các lớp đào tạo tức là anh nói xạo, là giả mạo!
>Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng Tịnh thất Bồng Lai ngụy biện, đánh tráo khái niệm "tu tại gia".
PV: Với những người giả tu hành như thế, Giáo hội Phật giáo có biện pháp gì giải quyết không ạ?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Giáo hội đã lên tiếng biết bao nhiêu lần rồi chứ! Chúng tôi nói hoài, không khéo người ta lại tưởng đây là vấn đề của Phật giáo, trong khi thực ra đây là vấn đề của luật pháp. Phật giáo chỉ là nạn nhân bị lợi dụng thôi.
Giáo hội Phật giáo đã tố cáo rồi, Giáo hội Trung ương đã có công văn, Giáo hội tỉnh cũng đã có 5 công văn trong vòng 3 năm qua, báo chí truyền hình cũng đã vào cuộc hết rồi, chỉ chờ điều tra, xác minh từ phía chính quyền. Giáo hội Phật giáo không có chức năng pháp lý để giải quyết vấn đề này.
PV: Trở lại với câu chuyện tu tập. Tôi nghĩ rằng ai cũng có quyền được tìm hiểu, được tiếp cận đạo Phật (cũng như các tôn giáo khác), cắt nghĩa các triết lý và tu theo ý hiểu của mình?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Đúng vậy, đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người. Nhưng lợi dụng quyền đó để trục lợi lại là chuyện khác.
Thượng tọa đã gửi đơn tố cáo một số sai phạm của ông Lê Tùng Vân.
Trong nhiều >video clip phát trên kênh Youtube và Facebook của Tịnh thất Bồng Lai, ông Lê Tùng Vân và các đệ tử đã báng bổ đức Phật một cách nghiêm trọng, xúc phạm đến niềm tin của hơn 550 triệu tín đồ Phật giáo trên toàn cầu, cố tình xuyên tạc về Đức Phật với mục đích câu view kiếm tiền.
Ông Lê Tùng Vân cũng chưa từng chính thức xuất gia, chưa thọ giới Sa-di, Tỳ-kheo, chưa trải qua lớp Phật học nào, nhưng lại tự cạo đầu trọc, mặc pháp phục, mặc lễ phục của người tu; cho phép mình được quyền làm lễ xuất gia cho một số người khác; những “đệ tử” của ông ấy cũng tự gọi là sư thầy, sư cô, chú tiểu - đó là trái với giới luật nhà Phật.
Những điều đó cho thấy nhóm này có xu hướng lập giáo phái mới một cách phi pháp, gây tổn hại hình ảnh tăng ni, làm quần chúng mất thiện cảm với Phật giáo.
PV: Đáng nói nhất là sức hút của họ trên MXH khá lớn, họ cũng được nhiều người ủng hộ. Thậm chí, còn có luồng dư luận cho rằng, nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai không có gì sai phạm nên không bị xử lý?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Theo như tôi biết, đã có nhiều đơn tố cáo ông Lê Tùng Vân và Tịnh thất Bồng Lai. Bản thân tôi cũng có gửi đơn.
Tôi cho rằng, chuyện ở Tịnh thất Bồng Lai có 3 vấn đề lớn cần giải quyết rốt ráo.
Vấn đề thứ nhất: Cần làm rõ việc những cáo buộc về nhân thân những người sống trong Tịnh thất Bồng Lai. Với những đơn tố cáo như vậy, họ đã được yêu cầu thử ADN chưa?
Vấn đề thứ hai: Làm rõ việc có vi phạm, lợi dụng niềm tin để chiếm dụng tài sản của nhân dân thông qua những tuyên bố trẻ em ở đó là trẻ mồ côi hay không.
Vấn đề thứ ba: Họ lợi dụng Phật giáo, giả sư, giả chùa, vi phạm Luật Tôn giáo.
Đó là câu chuyện của luật pháp. Những lời tố cáo bắt đầu từ năm 2019, đến giờ gần 3 năm rồi mà vụ việc chưa được giải quyết triệt để. Tôi e ngại việc đó sẽ mang lại hệ quả xấu về phương diện xã hội và tinh thần thượng tôn luật pháp.
Công chúng vẫn đang chờ đợi công an, chính quyền giải quyết và công bố kết quả. Nếu Tịnh thất Bồng Lai đúng, phải minh oan cho họ và phạt những người nói sai, trong đó có tôi. Trong trường hợp họ sai, họ phải bị xử lý theo pháp luật.
Xin chân thành cảm ơn Thượng tọa về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
Theo Nhịp sống Việt