Mặc dù được cô giáo khen sáng tạo, có chính kiến tuy nhiên nam sinh này vẫn không thể nhận kết quả như mong muốn.
Học sinh xưa nay được gọi là hội "nhất quỷ, nhì ma" kể cũng không sai. Bởi lẽ, ngoài những trò tinh nghịch không điểm dừng, những cô cậu học trò còn cực lắm ý tưởng, kể cả trong học tập và thi cử.
Học có thể không tốt nhưng lại cực giỏi khoản "vụng chèo khéo trống", nam sinh dưới đây là một ví dụ. Trong bài kiểm tra 1 tiết môn Ngữ Văn có yêu cầu phân tích khổ thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh: "Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau".
Khổ thơ này rất nổi tiếng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, thể hiện những suy tư, trăn trở những điều khó ai lí giải nổi trong tình yêu.
Tuy nhiên, có lẽ vì không thuộc bài hoặc cũng có thể vì kiến thức Địa lý quá uyên thâm, chàng nam sinh này không phân tích như cô giáo Văn đã dạy. Thay vào đó, cậu chàng đi lý giải hiện tượng sóng, gió một cách khoa học: "Gió là những luồng không khí chuyển động trên quy mô lớn. Trên bề mặt của trái đất, gió bao gồm một khối không khí lớn chuyển động...".
Mặc dù không đọc được hết bài văn nhưng có lẽ nam sinh này cũng không đi phân tích được ý nào đúng theo hướng văn học. Bởi thế, cô giáo đã có một lời phê nhẹ nhàng: "Góc nhìn độc đáo, có chính kiến riêng. Nhưng không phân tích theo lời cô giảng nên cảnh cáo nhẹ với cây gậy".
Khen học trò nức nở là thế nhưng cô giáo vẫn quyết định cho cậu điểm 1 vì không đúng trọng tâm bài.
Hình ảnh này sau khi đăng tải đã thu hút hàng chục nghìn lượt like, hàng trăm bình luận của cư dân mạng. Rất nhiều người đưa ra những bình luận hài hước trêu chọc cậu nam sinh này như: giỏi Địa bị bắt đi làm Văn, thích sáng tạo lại nhận cái kết đắng...
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số cũng đưa ra lời khuyên chân thành là cậu nam sinh này coi đây là bài học để lần sau rút kinh nghiệm.
Mỗi môn học có đặc thù riêng, đặc biệt là Văn học thiên về tính cảm xúc, có thể sử dụng đa dạng các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh... để thể hiện suy nghĩ, quan điểm của tác giả. Vậy nên lời khuyên là đừng học sinh nào bê nguyên kiến thức của môn này áp vào môn kia kẻo lại nhận cái kết đắng như cậu nam sinh ấy nhé.