Tùy theo mức độ vi phạm, người tung tin đồn thất thiệt trên mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mới đây, trên một fanpage tại >Hòa Bình đăng tải nhiều thông tin nghi vấn một vụ lừa đảo, bắt cóc xảy ra tại trường THCS Tân Pheo (xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc). Những thông tin này nhận được sự quan tâm rất lớn và khiến nhiều người hoang mang.
Cụ thể, fanpage này đăng tải thông tin với nội dung: "Nạn >bắt cóc trẻ em đã xảy ra trên địa bàn Đà Bắc - Hòa Bình. 4 học sinh trường THCS Tân Pheo bị mất tích lúc đi học về. Người dân phát hiện chiếc xe Ford Ranger biển số 29H 13008 di chuyển qua xóm Bương sang lối tắt Kim Thượng - Phú Thọ. Mọi người cùng chia sẻ để cơ quan Công an sớm bắt được các đối tượng này…".
Một lãnh đạo công an huyện Đà Bắc cũng đã cho biết, sau khi nắm được thông tin, cơ quan công an đã cử cán bộ xuống gia đình làm việc, đồng thời báo cáo lên Ban giám đốc Công an tỉnh, phối hợp với Phòng Hình Sự để xác minh, làm rõ.
Qua xác minh, các cháu lên tỉnh Bắc Ninh để chơi với anh trai, khi đi không nói với gia đình dẫn đến những hiểu lầm.
Qua vụ việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý những người tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Vì vậy người nào >tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức cụ thể thì cá nhân, tổ chức đó có quyền khởi kiện thành 1 vụ án dân sự đến TAND có thẩm quyền về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do danh, dự nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.
Đồng thời, buộc người tung tin đồn thất thiệt đó phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (quy định tại Điều 592 BLDS năm 2015). Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Về các mức xử phạt, luật sư Tiệp cho biết: Để xử lý về các hành vi trên, tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định:
Hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 66);
Hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điểm a Khoản 3 Điều 64).
Luật sư Tiệp cho biết thêm, tùy theo từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý như sau:
Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền có thể xử lý: phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm và phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm (quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 156);
Hoặc có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 288 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” nếu gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức cá nhân. Khung hình phạt theo chế tài quy định từ 2 - 7 năm và phạt bổ sung tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng. (khoản 2 Điều 288 BLHS 2015).
Ngoài những quy định chung nêu trên, tùy theo từng lĩnh vực, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đó.