Theo anh Nở, đói khát khiến nhiều anh em dần mất ý thức. Đến ngày thứ 5, chẳng ai còn đủ sức nói chuyện.
Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, ngày 28/11, 9 ngư dân trên tàu cá QNg 904.99 đã về đến nhà (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) trong niềm hạnh phúc vô bờ của người dân. Các ngư dân kể lại câu chuyện sống sót của mình với những may mắn không ngờ.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Nở (28 tuổi) kể tối 1/11, anh đang điều khiển tàu cá ở khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa. Lúc này thời tiết rất xấu. Đến khoảng 20h, một con sóng dữ đánh tàu lật úp, 11 ngư dân bị hất văng xuống biển.
Đêm mênh mông, các ngư dân lạc giọng gọi, cố gắng bơi lại cạnh nhau. Họ nhìn thấy mũi tàu vẫn nhô trên mặt biển, dùng hết sức bơi về phía tàu. Sau hơn một giờ vật lộn, họ đã tiếp cận được tàu và chính mũi tàu ấy đã giúp họ sống sót qua đêm dài lênh đênh.
Lúc này, đếm lại quân số thì phát hiện chỉ còn 9 người, 2 ngư dân đã mất tích.
Lênh đênh trên biển, mãi đến trưa hôm sau, con tàu bị sóng đánh dạt vào một bãi đá hoang. Nhóm ngư dân quyết định rời tàu, lên bãi đá và hy vọng.
Bãi đá rộng khoảng 2km2, khi thủy triều lên nước ngập, cả nhóm dầm mình chịu cái lạnh thấu xương. Nhưng ám ảnh nhất vẫn là đói khát.
Vì tàu lật quá nhanh, anh em không kịp lấy bất kỳ nhu yếu phẩm gì. Khi lên bãi đá, 9 ngư dân chịu đói khát gần một ngày. Ai cũng kiệt sức.
Phải sống, họ chia nhau đi quanh bãi đá tìm thức ăn và may mắn phát hiện 2 chai nhựa. Bên trong có khoảng 1,5 lít nước dạt vào bãi đá.
Ai cũng vỡ òa, bởi cơn khát là điều đáng sợ, có thể giết chết bất kỳ ai.
Với kinh nghiệm biển khơi, dù khát khô nhưng mỗi người chỉ uống một ngụm nhỏ. Số nước ít ỏi ấy đã giúp họ trụ lại 4 ngày. Đến khi nước trong chai sắp hết, bất ngờ trời đổ mưa. "Chính cơn mưa ấy đã giúp chúng tôi trụ thêm 2 ngày cho đến khi được cứu", anh Nở kể.
Cũng theo anh Nở, đói khát khiến nhiều anh em dần mất ý thức. Đến ngày thứ 5, chẳng ai còn đủ sức nói chuyện.
"Anh em chờ đến ngày thứ 6 mà chẳng có hy vọng gì, cứ nghĩ đã chết thì bất ngờ thấy một con tàu ở phía xa. Lúc này, chúng tôi còn nghĩ mình hoa mắt vì đói khát. Nhưng vẫn cố lấy áo phao ra phát tín hiệu cầu cứu. Khi thấy tàu rõ dần và rẽ sóng về phía mình mới tin đó là sự thật" - anh Nở nói.
Thuyền trưởng tàu cá QNg 906.71 - Nguyễn Tấn Ngọt - nhớ lại khi thấy tín hiệu cầu cứu, anh cho tàu về phía bãi đá. Vì nước quá cạn nên phải thả thuyền thúng để anh em chèo vào bãi đá cứu người.
Khi lên tàu, cả 9 ngư dân đã rất yếu, gần như mất ý thức. "Chúng tôi phải sơ cứu, cho húp cháo loãng. Mất cả buổi, anh em mới tạm ổn. Khi thấy >sức khỏe mọi người tạm ổn, tôi mới nhổ neo đưa vào đảo Sơn Ca" - anh Ngọt kể.
Với sự chăm sóc của các chiến sĩ trên đảo, sức khỏe 9 ngư dân ổn định hoàn toàn. Sau đó, tàu của Vùng 4 Hải quân mới đưa họ từ đảo Sơn Ca về đất liền.
Theo thông tin từ VnExpress, thuyền trưởng Hoà sau đó cùng một tàu cá khác trở lại khu vựa bãi An Nhơn tìm hai ngư dân mất tích nhưng không thấy nên tiếp tục đánh bắt và vừa trở về cách đây gần một tuần.
"Con tàu trị giá đến 3 tỷ đồng mới đóng vài năm trước đã bị chìm. Sắp tới tôi lấy tiền bảo hiểm và mong được hỗ trợ sắm lại tàu mới để tiếp tục ra biển đánh cá" - anh Nở nói.
Ông Bùi Hồng Vân - Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết ngư dân của xã chuyên nghề lặn đêm với hàng trăm tàu cá. Chủ tàu rủ bạn thuyền từ địa phương và các tỉnh khác như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... đánh bắt chủ yếu ở biển Trường Sa và Hoàng Sa. Họ thường hỗ trợ nhau khi hoạn nạn.
Theo ông Vân - Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hòa, cũng đã cứu nhiều người trên tàu bị cháy năm 2018 và tàu bị hư chân vịt tháng 3 vừa qua. Bản thân anh Hoà cũng từng được các thuyền viên cùng xóm cứu khi tàu bị chìm năm 2014.