Sau khi cầm cố hết điện thoại, laptop, xe máy...thì bằng cấp, chứng chỉ là những thứ được giới sinh viên đem cầm cố giữa mùa World Cup.
World Cup 2018 đã đi được nửa chặng đường, nhiều tiệm >cầm đồ được một mùa bội thu. Trong khi đó, những con bạc đang "khát" tiền với mong muốn gỡ gạc lại vốn sẵn sàng cầm bất cứ món đồ nào, thậm chí, cả bằng cấp, chứng chỉ.
Với nhiều bất ngờ do các đội bóng hàng đầu thế giới tạo ra, trong khi dân cá độ điêu đứng, nhiều tiệm cầm đồ lại phất lên như diều gặp gió. Vào thời gian cao điểm, các tủ để điện thoại, laptop của nhiều tiệm cầm đồ đã chật kín, gian nhà để xe máy của khách cũng không còn chỗ trống.
Trò chuyện với PV, anh N.B. (chủ một tiệm cầm đồ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, 16-18h hàng ngày là thời điểm “vàng” khi có nhiều người đến cầm cố tài sản.
Cũng theo anh B., càng cuối mùa bóng, dân mê cá độ sẽ càng “khát” tiền để hy vọng gỡ gạc lại những gì đã mất. Thời gian gần đây, không chỉ cầm điện thoại, laptop, trang sức, xe máy, sổ đỏ,...dân thua độ bắt đầu cầm bất cứ thứ gì có thể ra tiền, thậm chí là cả chứng chỉ, bằng cấp.
“Bây giờ không còn xe máy, điện thoại để cầm cố, nhiều người còn cầm cả sổ đỏ >nhà đất, giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe. Thậm chí, một số bạn sinh viên còn cầm cả chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Đối với các loại giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ thì chỉ cầm từ 100 - 500 nghìn đồng. Còn riêng sổ đỏ nhà đất thì cao hơn, từ 1 triệu đến vài trăm triệu đồng”, anh B. cho biết.
Vì số lượng cầm cố quá nhiều trong dịp World Cup nên hiện tại, các tiệm đa số chỉ nhận những món đồ có giá trị, kích cỡ nhỏ gọn, còn lại đều từ chối.
Anh T. (chủ một tiệm cầm đồ ở Thủ Đức) chia sẻ: “Sau mỗi trận đấu, họ thường đến cầm nhiều loại tài sản. Có cả đồ gia dụng, điện thoại, sổ đỏ, cà vẹt...Tuy nhiên, tôi chỉ nhận điện thoại và sổ đỏ, vì đỡ tốn diện tích, thủ tục dễ và lời nhiều. Cửa hàng tôi đang tạm ngưng nhận xe máy vì hết chỗ để”.
Đặc biệt, các chủ tiệm rất thích cầm cố sổ đỏ. Anh T. cho biết thêm: “Với khách hàng cầm sổ đỏ, sau khi hết hạn hợp đồng họ đều đến gia hạn hoặc chuộc lại, mà thường vay với số tiền lớn nên lãi suất khi chuộc cũng đem lại lợi nhuận khá cao.
Trước khi cầm sổ để vay tiền, tôi luôn thông báo rõ với khách về giá, lãi suất. Nếu khách đồng ý thì làm thủ tục để lại tài sản và cầm tiền đi. Hiện nay, do nhu cầu cao, tôi phải thuê nhân viên thay ca trực 24/24, nên việc lên giá đôi chút cũng là dễ hiểu”.
Được biết, đối với những loại tài sản bình thường, khách vay 1 triệu đồng sẽ phải trả từ 2.000 đến 3.000 đồng tiền lãi mỗi ngày (tương đương mức lãi suất 73% đến 109,5%/năm - PV). Riêng các loại bằng cấp, chứng chỉ, sổ đỏ sẽ có mức lãi 4.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 146%/năm – PV)
Tuy nhiên, theo quy định Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay ngoài tổ chức tín dụng, cho vay cầm đồ kể cả những công ty hợp pháp trước 1/1/2017 chỉ áp dụng mức không quá 13,5%/ năm; đến sau 1/1/2017 thì tối đa là 20%.
Như vậy, hầu như các tiệm cầm đồ hiện nay đều đang vi phạm mức lãi suất cho vay với sự đồng ý, chấp nhận của những con bạc đang “khát” tiền.