3 lần ngưng tim, nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch tưởng như không thể qua khỏi, sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh nhân 19 - bà Lê Tuyết H., 64 tuổi, đã có thể ngồi dậy, tự ăn uống và bắt đầu tập đi lại.
"Tôi sẽ luôn cố gắng, vì còn nhiều dự định dang dở chưa hoàn thành"
Đêm 6/3, Việt Nam ghi nhận ca bệnh >Covid-19 thứ 17 N.H.N., đánh dấu giai đoạn 2 của "cuộc chiến" chống Covid-19. Ngay lúc đó, 2 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, là bác gái và tài xế riêng, được xe cấp cứu đưa tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sáng hôm sau, bà Lê Tuyết H., 64 tuổi, bác gái bệnh nhân 17 nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Lúc đó, trong suy nghĩ, bà không hiểu dương tính hay âm tính, nghĩa là gì.
"Thời điểm đó, tôi chưa hiểu lắm về Covid-19. Tôi chỉ là một bà nội trợ, suốt ngày loanh quanh trong nhà, không am hiểu bệnh tật. Tôi cũng chẳng nghĩ rằng bản thân mình sẽ mắc căn bệnh này", bà nói.
Bà H. cùng gia đình sinh sống tại TPHCM. 28 Tết vừa rồi, bà ra Hà Nội hỗ trợ cháu gái lau chùi, dọn dẹp khách sạn, đồng thời phụ tuyển giúp nhân viên. Ngày N.H.N. về nước, thấy cháu có biểu hiện ho sốt, bà đưa N. vào bệnh viện thăm khám. Nhưng bà không ngờ được rằng, chính mình cũng là bệnh nhân Covid-19 được công bố chỉ một ngày sau.
Nhập viện, sức khoẻ bà ổn định, ăn uống bình thường, cơ thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng lâm sàng nào. 10 ngày sau, trong lúc đang xem chương trình vô tuyến, bà rơi vào trạng thái hôn mê.
Bệnh diễn biến nặng do có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình, bệnh nhân phải thở máy. Cuối giờ chiều 15/3, bà có triệu chứng khó thở tăng lên. Đến 22h cùng ngày, biểu hiện suy hô hấp tăng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt catheter tĩnh mạch, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) chuyển bà tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị.
Khi tỉnh dậy, bà thấy xung quanh mình chỉ toàn máy móc và thiết bị.
2 người con trai cất tiếng: "Con đây, Ngọc đây, Hà đây, má có nhận ra không?". Bà không nói được, chỉ gật đầu. Cơ thể gần như bị hút cạn sức lực.
"Tôi đã rất sợ, vì không hiểu tại sao cơ thể mình lại như thế này. Mãi về sau, các bác sỹ mới giải thích rằng căn bệnh này thật kinh khủng".
1h sáng 8/4, bà H. xuất hiện 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim. Các bác sỹ nhanh chóng hội chẩn xuyên đêm. 45 lần bóp tim, họ bắt đầu cảm thấy bất lực, nhưng vẫn cố gắng tìm lại sự sống cho bệnh nhân. Đến lần thứ 47, nhịp tim của bà đập trở lại.
"Hôm đó, bác sỹ gọi điện trong đêm, chúng nó (các con - PV) khóc quá trời", bà nhớ lại. "Thỉnh thoảng người thân, bạn bè gọi điện động viên, nói rằng cố gắng lên. Trời thương nên tôi đã qua khỏi. Dù đã âm tính, nhưng tôi yếu quá, chưa thể ra viện. Tôi phải chấp nhận số phận của mình, coi như một tai nạn hy hữu trong cuộc đời này".
Từ ngày bà H. có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, 2 người con trai mới được phép vào viện chăm nom mẹ. Họ từ TPHCM ra Hà Nội, thuê trọ gần bệnh viện, thay phiên nhau nấu cơm, túc trực trong buồng bệnh.
"Tôi tin tưởng rằng mình vẫn còn khoẻ, vẫn còn đi lại được, nhưng cuối cùng tôi yếu quá, đến nay đã hồi phục được 70%, cơ thể còn mệt vì tim, phổi, và thận đều bị ảnh hưởng. Tôi may mắn vì được các y bác sỹ tận tình quan tâm. Họ động viên "cố gắng lên" mỗi ngày, để có thể về với gia đình, anh chị em.
"1h sáng trong ca trực, chúng tôi không ai có thể ngủ được"
Anh Lưu Ngọc (40 tuổi, sống tại quận 9, TPHCM) - con trai cả bệnh nhân 19, cho biết anh ra Hà Nội từ ngày 16/3. Hằng ngày, 2 anh em chia nhau cùng chăm sóc mẹ, từ ăn uống, chuẩn bị thức ăn mềm, dễ tiêu hoá,… đến việc tập đi lại, hít thở để cơ thể bà khoẻ hơn.
Mỗi ngày, bà đỡ hơn một chút. 2 người con như những "người bạn tâm giao" luôn bên cạnh động viên và trò chuyện, để bà chóng hồi phục.
"Thời gian chưa được vào thăm mẹ, hàng ngày, tôi đều trao đổi với bác sĩ về tình trạng của bà, đồng thời, theo dõi báo điện tử hàng ngày để cập nhật thông tin mới", anh nói.
Khi nhận điện thoại trong đêm của bác sỹ thông báo mẹ 3 lần ngừng tuần hoàn, anh Ngọc đã rất sợ hãi và lo lắng. Anh cảm thấy tuyệt vọng, và chỉ biết mong chờ, hy vọng vào sự cứu chữa của đội ngũ y bác sỹ. Thật may, bà đã tỉnh dậy và tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
"Do mẹ nằm trên giường bệnh lâu ngày, chân tay không vận động nên cơ thể yếu và cần vận động để nâng cao sức khoẻ. Đến nay đã là ngày thứ 3 mẹ tôi tập đi. Trước đó, tôi cùng bác sĩ giúp đỡ mẹ tôi tập đi 1 lần/ngày", anh chia sẻ.
Bác sỹ Mạc Duy Hưng – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - người trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân 19 cho biết, đã có rất nhiều thời điểm bà H. phải đối mặt với những nguy hiểm liên quan tới tính mạng.
"Lúc mới vào khoa, bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, phải thở máy, can thiệp ECMO, sau đó, phải cấp cứu vì ngừng tuần hoàn, các bác sĩ đều cố gắng để cứu sống bà", bác sỹ Hưng nói.
Bệnh nhân 19 được theo dõi thông số liên tục, khi có dấu hiệu rối loạn nhịp tim, các bác sỹ đã phải tiến hành sốc điện 3 lần. Sau hơn 40 phút, nhịp tim bệnh nhân đã trở lại. Có 5 bác sỹ, cùng các điều dưỡng cấp cứu, theo dõi bệnh nhân.
"Khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn, chúng tôi đã đặt ra nguy cơ có thể tử vong. Nhưng khi nhịp tim đập lại, chúng tôi cảm thấy rất may mắn, nhưng chưa thể thở phào. 1h sáng trong ca trực, chúng tôi không ai có thể ngủ được".
Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực làm việc theo chế độ chống dịch, mỗi ca 12 tiếng các bác sỹ thay phiên liên tục để luôn có người theo dõi, chăm sóc bệnh nhân.
"Bệnh nhân 19 chưa thể đi lại được hoàn toàn và đang phải tập đi, nhưng chúng tôi rất mừng cho bà và cảm thấy may mắn một phần nhờ sự nỗ lực của mọi người và sự cố gắng của bệnh nhân. Tôi hy vọng, thời gian tới, bà sẽ hồi phục tốt".
Trong buồng bệnh, bà H. vui vẻ vẫy tay chào mọi người. Chẳng ai dám tin, bà từng thập tử nhất sinh, đi qua những lằn ranh sinh tử trong 2 tháng qua. Bà tỉnh táo, tập những bước đi dù còn khó khăn.
Gió chiều thổi vào sảnh phòng bệnh, bà ngồi đó, ngắm nhìn bầu trời ngoài kia, đôi mắt xa xăm với nhiều suy nghĩ trong đầu. 2 người con trai không rời mẹ nửa bước. Còn bà, vẫn mải mơ ước, một ngày không xa, lại được tự mình bước đi dưới khoảng trời xanh thẳm.