Tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh, thậm chí đã ở mức nghiêm trọng ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang sắp phải đối mặt với tình trạng >mất cân bằng giới tính, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những thách thức to lớn của công tác dân số được các nhà quản lý, các nhà khoa học quan tâm giải quyết.
Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái. Tại một số địa phương, tỷ lệ này lên đến 117 trẻ trai so với 100 trẻ gái. Tâm lý chung của các gia đình là muốn có con trai để nối dõi tông đường, gánh vác việc gia đình.
Báo VTV.vn dẫn số liệu tại trường mầm non xã Hải Bắc (ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho thấy, sự chênh lệnh giới tính thể hiện rõ nhất ở lớp 5 tuổi, khi số trẻ trai cao gấp đôi trẻ gái. Tại địa phương này, năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh là 125 trẻ trai/100 trẻ gái. Năm 2018, con số này có giảm nhưng đến năm 2019, tỷ lệ lại tăng lên 121 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ đã tăng lên 124 bé trai/100 trẻ gái.
Xã Hải Bắc đã trở thành một trong những xã đứng đầu tỉnh Thái Bình về mất cân bằng giới tính. Những gia đình chưa có con trai sẵn sàng sinh thêm con thứ 3, thứ 4.
Được biết, cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100. Lãnh đạo Tổng cục Dân số-KHHGĐ cho biết, bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm vấn đề bất bình đẳng giới thêm nghiêm trọng. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng bởi quan niệm xã hội và tín ngưỡng như đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình... Chính vì tình trạng này còn tiếp diễn, dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai.
Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.
Hậu quả dễ nhận thấy nhất trong tương lai gần là sẽ có hàng triệu thanh niên Việt Nam ít có cơ hội lấy vợ trong nước. Kéo theo đó là những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội, suy giảm sức khoẻ, >sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…