Phòng GD&ĐT sẽ tính phương án hỗ trợ lâu dài như nhận đỡ đầu để các em cho chỗ dựa tinh thần, tiếp tục học tập.

H.A (t/h) 13:00 15/09/2023

Thông tin từ báo Tiền Phong cho hay, theo báo cáo của Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội), ngày 12/9 địa bàn phường Khương Đình xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng. Ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân chỉ đạo các nhà trường rà soát học sinh, giáo viên sinh sống trên địa bàn, bị ảnh hưởng tại khu chung cư bị cháy.

Sau khi rà soát, có 30 giáo viên, học sinh sống trong chung cư chịu ảnh hưởng, trong đó tính đến 8 giờ 30 sáng hôm qua (14/9) có 13 học sinh tử vong. Số học sinh còn lại có 5 em đang điều trị tại bệnh viện, 11 em >sức khỏe đã ổn định và 1 giáo viên đã được phẫu thuật tại bệnh viện Xanh pôn.

 

 

 Một học sinh và một em bé nạn nhân của vụ cháy đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tiền Phong

Trong số nạn nhân là học sinh đã tử vong, Trường THCS Khương Đình có 6 em, gồm 1 học sinh lớp 9, 3 học sinh lớp 6 và 2 em học sinh lớp 7. Trường tiểu học Khương Đình có 4 học sinh tử vong. Trường này cũng có một số học sinh rải rác các khối lớp đang được bác sĩ điều trị tại bệnh viện.

Theo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, từ khi xảy ra sự việc đau lòng, đại diện đơn vị và các nhà trường đến thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần học sinh, các gia đình chịu ảnh hưởng của vụ cháy. Trường hợp học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT sẽ tính phương án hỗ trợ lâu dài như nhận đỡ đầu để các em cho chỗ dựa tinh thần, tiếp tục học tập.

Theo BS Vũ Việt Hà, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (BV Đại học Y) chia sẻ trên VOV, trong cấp cứu nạn nhân các vụ cháy chủ yếu phải lưu ý tình trạng ngạt khói có thể gây tử vong do thiếu oxy tại chỗ và trình trạng bỏng.

Ảnh hiện trường vụ cháy lớn. Ảnh: Nhân Dân

“Các bệnh nhân trong >vụ cháy chung cư mini khi nhập viện được đánh giá 2 vấn đề là mức độ bỏng và mức độ suy hô hấp. Với suy hô hấp đánh giá về tổn thương đường thở, kiểm tra bệnh nhân có khó thở hay không để cho thở oxy. Trong trường hợp xét nghiệm máu phát hiện bệnh nhân có ngộ độc khí CO. Ngoài việc cho người bệnh thở oxy, phải dùng thêm biện pháp oxy cao áp. Hiện tại ở một số cơ sở tại Hà Nội có thực hiện biện pháp oxy cao áp như Bệnh viện 108, Viện Y học Hàng không - Không quân…”, BS Hà nói về ca cấp cứu các bệnh nhân.

Bác sĩ cũng cho biết, ngộ độc khí CO có thể gây tổn thương não, khiến nạn nhân hôn mê… do vậy bắt buộc phải liên hệ để chuyển sang các trung tâm có biện pháp oxy cao áp. Khí CO ngoài tổn thương trực tiếp, có thể gây tổn thương não sau này.

Bác sĩ khuyến cáo, trong tình huống xảy ra cháy, người dân ít nhất phải dùng khăn ướt che kín mặt, mũi. Việc này có thể để tránh khói, tuy nhiên, không ngăn được ngộ độc khí CO.

“Đây là điều cần lưu ý để theo dõi thêm người bệnh, tránh trường hợp bệnh nhân sau khi xuất viện sẽ bị ảnh hưởng trí nhớ, thậm chí có những biểu hiện của bệnh thần kinh và nặng hơn là những sa sút trí tuệ sau này. Do vậy, trước khi người bệnh ra viện sẽ được xét nghiệm, kiểm tra nồng độ khí CO”, BS Hà nhấn mạnh.

 

H.A (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe