Nhiều phụ huynh ở Hà Nội có con em đang ở độ tuổi mầm non vô cùng lo lắng trước tình trạng trẻ nhỏ "lệ thuộc" vào các thiết bị di động, chăm chú đến độ "mẹ gọi không nghe, bố gọi chẳng dạ" sau nhiều tháng ở nhà nghỉ dịch.
Nhiều tháng nay, tình hình dịch bệnh tại> Hà Nội diễn biến phức tạp, không chỉ riêng trẻ mầm non mà nhiều cấp học khác cũng đành ở nhà để đảm bảo công tác phòng dịch, tránh lây nhiễm khi tập trung đông người.
Nếu như cấp 1, cấp 2, cấp 3 còn có hình thức học online để tránh mất kiến thức và giải quyết nhu cầu học tập thì với trẻ mầm non "nghỉ dịch đồng nghĩa với việc cả ngày ở nhà".
1 tuần, 2 tuần, phụ huynh còn có thể bớt chút thời gian chăm con nhưng 1 tháng, 2 tháng và thậm chí hơn thế nữa thì có lẽ "lợi bất cập hại".
Trao đổi với PV VTC News, một phụ huynh ở quận Hoàng Mai cho hay bé thứ hai 4 tuổi ở nhà khiến chị sốt ruột. Thời gian ở nhà, từ đứa trẻ không thích xem tivi, chủ động chơi trò chơi, bé dần bám lấy màn hình ipad, điện thoại. Đáng nói hơn khi bé dần "đắm chìm" trong thế giới mới qua màn hình 5-6 inch. Nhiều hôm mải xem, mẹ gọi đến tiếng thứ ba, bé cũng không trả lời. Mẹ tắt điện thoại là bé khóc toáng, lăn ra nhà, không chịu nín cho đến khi mẹ mở điện thoại.
Một bà mẹ có con ở độ tuổi mầm non khác trên địa bàn TP. Hà Nội cũng tỏ ra hoang mang khi nhiều tháng ở nhà, bé được bố mẹ, ông bà chiều chuộng khiến cho các kỹ năng của bé trước đây dần mất đi như tự xúc cơm, đánh răng, mặc quần áo, mà thay vào đó là nhờ sự hỗ trợ của người lớn. Thậm chí, bé khăng khăng nói không thích đi học, muốn ở nhà.
Chia sẻ về vấn đề này với báo Công An Nhân Dân, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Học sinh mầm non cũng giống như học sinh các cấp học khác, nếu bị ngắt khỏi môi trường giáo dục hàng ngày, môi trường tương tác với bạn bè đồng trang lứa sẽ rất dễ gây ra nhiều hệ lụy.
Thực tế cho thấy, trong hơn 1 năm vừa qua, việc ở nhà và tách khỏi môi trường giáo dục sẽ làm cho trẻ có một số ảnh hưởng nhất định, nhiều trẻ em gặp tình trạng chậm nói, ngại giao tiếp… Hơn nữa, việc ở nhà thường xuyên và tiếp cận với các video trên mạng không giúp cho trẻ phát triển về khả năng ngôn ngữ. Các trò chơi vận động, tư duy trong quá trình học ở trường cũng không được sử dụng khi trẻ ở nhà như chương trình chuẩn tại các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với các bé 5 tuổi, chuẩn bị lên lớp 1".
Hiện nay, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Bộ đã phê duyệt tiêm vaccine phòng> COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Đồng nghĩa với việc trẻ mầm non vẫn chưa được tiếp cận với vaccine phòng ngừa COVID-19. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc trở lại trường học của trẻ ở độ tuổi này trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Đình Huy, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng bày tỏ, đây là thời điểm lý tưởng cho trẻ mầm non quay lại trường. Chia sẻ với VTC News, bác sĩ nhận định việc trẻ ở nhà hay tới trường đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau, trừ khi các bé nhốt ở nhà hoàn toàn. Không bố mẹ nào dám khẳng định các con 24/7 không tiếp xúc với ai hay hoàn toàn không có nguy cơ lây nhiễm cho con?
Bên cạnh đó, không nên đợi tiêm xong vaccine toàn bộ trẻ 5-11 tuổi mới được đến trường. Thứ nhất, không phải phụ huynh nào cũng đồng ý cho con tiêm, vậy nếu không tiêm là không được đi học? Thứ 2, vaccine chỉ làm giảm các triệu chứng khi mắc COVID-19 chứ không hoàn toàn ngăn chặn lây nhiễm 100%.
"Khi nguy cơ lây nhiễm là tương đương nhau thì việc trẻ được học tập, chăm sóc tại trường mầm non sẽ làm giảm các hệ lụy về kiến thức, tâm sinh lý. Giữa hai phương án đều không trọn vẹn, chúng ta buộc phải chọn phương án tích cực hơn. Tôi tin rằng, mở lại khối mầm non, tiểu học trước các khối khác là một hướng đi cần xem xét và áp dụng sớm", bác sĩ Huy nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, việc cho trẻ trở lại trường là cấp thiết.
Cụ thể, trả lời trên báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, ông Ân cho hay: "Dịch bệnh chưa từng có thì chỉ đạo dạy học cũng phải khác, cũng phải chưa từng có. Ưu tiên cho học sinh đầu cấp và những khối lớp đang học theo sách giáo khoa mới như lớp 1, 2 và lớp 6. Ta nên theo phương châm dịch to thì khoanh vùng học sinh rộng và dịch nhỏ khoanh vùng học sinh hẹp.
Covid-19 không quá đáng sợ nếu chúng ta biết cách tự bảo vệ. Mỗi địa phương cần thay đổi tư duy, chủ động sẵn sàng các kịch bản khác nhau khi dịch xảy ra trong trường. Có như vậy, chúng ta mới sớm đưa học sinh trở lại trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh được những bất lợi to lớn làm ảnh hưởng tới tương lai phát triển của mọi trẻ em".
Liên quan đến câu hỏi: "Bao giờ trẻ mầm non ở Hà Nội đi học lại", chiều 8/4, theo nguồn tin từ VnExpress, Hà Nội sẽ cho toàn bộ trẻ mầm non đến trường từ 13/4.
Cụ thể, Sở Giáo dục nhận định, tình hình dịch bệnh tại thành phố đã chuyển biến tích cực, số F0 là học sinh, giáo viên giảm mạnh trong thời gian gần đây. Ngày 6/4, khi trẻ lớp 1-6 được trở lại trường, tỷ lệ đi học trực tiếp đạt 93,7%. Do đó, Sở tiếp tục lấy ý kiến phụ huynh về việc cho nhóm trẻ dưới 6 tuổi đi học lại và nhận kết quả 80% đồng thuận.
Theo quyết định của thành phố, các trường mầm non đón trẻ, tổ chức bán trú và dạy hai buổi một ngày dựa trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh. Tương tự cấp phổ thông, trường mầm non phải đạt chuẩn theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế, Sở Giáo dục, chuẩn bị cơ sở vật chất và các tình huống khi có F0, vệ sinh và khử khuẩn trước và sau buổi học.