Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội thống nhất tiếp tục dừng hoạt động các ngành kinh doanh du lịch, vui chơi giải trí, karaoke, rạp chiếu phim, game online.
Phát biểu kết luận phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP >Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, hai ổ dịch tại thôn Hạ Lôi và Đông Cứu được xử lý quyết liệt, thực hiện nghiêm túc quy định cách ly.
Đến nay, theo ông Quý, các ổ dịch không phát sinh ca mới, tình hình các ổ dịch theo chiều hướng tích cực. Ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh) đến ngày 5/5 và ổ dịch thôn Đông Cứu (Thường Tín) đến ngày 16/5 mới hết thời gian phong tỏa theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, hiện nay Hà Nội thuộc địa phương "có nguy cơ", riêng 2 huyện Mê Linh, Thường Tín được xác định là huyện "nguy cơ cao".
Trên địa bàn, thời gian qua xuất hiện ca bệnh không có triệu chứng, hoặc ca bệnh qua 14 ngày mới phát hiện, do vậy, dịch bệnh vẫn còn khả năng lây lan.
Từ thực tế đó, ông Quý yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và dựa vào thực tiễn của Hà Nội thực hiện 2 mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đồng thời, khởi động, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Đối với 2 huyện Mê Linh và Thường Tín là địa bàn có nguy cơ cao, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 05 của UBND thành phố...
Ông Quý nhấn mạnh, các Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn cần xử lý ổ dịch, tăng cường phát hiện, xét nghiệm, cách ly và dập dịch.
Tuyên truyền người dân cần thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang, giãn khoảng cách tại nơi công cộng; không ra ngoài khi không cần thiết; người có biểu hiện sốt, ho, khó thở không nên đến công sở, trường học, nơi công cộng và liên hệ cơ sở y tế để được hướng dẫnkhám, chữa bệnh…
Với các sự kiện văn hóa, thể thao tại nơi công cộng tiếp tục dừng tổ chức, hạn chế các nghi lễ tôn giáo và phải đảm bảo không tập trung quá 20 người. Tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến một số ngành như: du lịch, vui chơi >giải trí, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke, Internet, chơi game, massage… ông Quý yêu cầu tiếp tục dừng hoạt động theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Ngoài ra, không tụ tập quá 20 người ngoài phạm vi công sở trường học, bệnh viện, yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu là 2m.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức làm việc trực tuyến. Đối với công tác vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận Tải; các phương tiện giao thông cộng cộng thực hiện theo kết luận của Chủ tịch UBND TP ngày 22/4.
Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc phòng, chống dịch tại các cơ sở trên địa bàn…
Bên cạnh đó, ông Quý giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành hướng dẫn cụ thể công tác phòng, chống dịch đối với mỗi loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ, trường học.
Các Bệnh viện thực hiện giải pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: đảm bảo an toàn cho đội ngũ y cán bộ bác sỹ; mỗi người nhà chỉ có 1 người nhà chăm sóc…
Sở Y tế rà soát, tính toán các phương án, kịch bản dịch bệnh trong tình hình mới; mua sắm trang thiết bị để sẵn sàng khi dịch bệnh xảy ra.
Phó Chủ tịch Hà Nội cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án khi học sinh đi học trở lại; tổ chức kỳ thi THPT cũng như tuyển sinh đầu cấp…
Đối với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về các tuyến đường liên tỉnh đi qua 2 huyện Mê Linh và Thường Tín, ông Quý đồng ý để các phương tiện đi qua nhưng phải kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng các quy định.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định và yêu cầu của trung ương, Bộ GĐ&ĐT, thành phố Hà Nội về phòng chống dịch >Covid-19.
Đặc biệt, về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn các nhà trường phải chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện ngay khi thành phố quyết định lịch (thời gian) cho học sinh các cấp đi học trở lại.