Người dân ở vùng đỏ tại Hà Nội đi chợ, siêu thị theo thẻ đi chợ được phát, đặt mua hàng online và các shipper chỉ giao hàng ở vùng này.
Theo thông tin từ Tiền Phong, ngày 4/9, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho phân vùng 1 (>vùng đỏ) sẽ được thực hiện bằng xe ô tô. Còn đối với hoạt động của các> shipper (giao hàng công nghệ), cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, lực lượng này sẽ được hoạt động trong phân vùng 1 để phục vụ nhu cầu vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân.
Ngoài ra, người dân ở vùng 1 đi chợ, siêu thị theo thẻ đi chợ được phát, đặt mua hàng online và các shipper chỉ giao hàng ở vùng 1. Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung, điều phối hàng hóa cho từng phân vùng sau ngày 6/9.
Cụ thể, Sở Công Thương cho biết, các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online trực tuyến: 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Nguồn cung hàng hóa dựa trên 2 nguồn từ sản xuất trên địa bàn thành phố và nguồn kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đối với nguồn cung từ các tỉnh, thành phố, có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.
Với nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ; chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”, đối với Vùng 1 mặc dù thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân vẫn được UBND quận/huyện thực hiện phát Phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và thực hiện các hình thức mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động và mua hàng online phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.