Hà Nội vừa quyết định giữ nguyên mức học phí trường công lập năm học 2021 - 2022 theo mức đóng của năm học trước, đồng thời quy định về thời gian xác định thu học phí của tháng.
Theo thông tin của Giadinh.net, ngày 23/9, đại biểu HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã tán thành Nghị quyết về quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, trung học phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2021 - 2022.
Học phí cụ thể như sau:
Với nhà trẻ, mẫu giáo (không bao gồm trẻ em mầm non 5 tuổi), THPT, Giáo dục thường xuyên cấp THPT: Học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 217.000 đồng/tháng; Địa bàn nông thôn 95.000 đồng/tháng; Các xã miền núi 24.000 đồng/tháng.
Với trẻ em mầm non 5 tuổi, THCS, Giáo dục thường xuyên cấp THCS: học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 155.000 đồng/tháng; Địa bàn nông thôn 75.000 đồng/tháng; Địa bàn các xã miền núi 19.000 đồng/tháng.
Việc quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục tiểu học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên để làm căn cứ thực hiện 2 chính sách: Hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng miễn, giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan;
Miễn giảm học phí đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Về quy định thời gian thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các sự kiện bất khả kháng, đối với các tháng có thời gian dạy học thực tế (bao gồm cả thời gian tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bố trí thời gian học bù tại trường) không đủ cả tháng.
Việc xác định thời gian thu học phí được tính như sau: Trường hợp thời gian dạy học thực tế trong tháng dưới 14 ngày thì thực hiện thu 1/2 tháng; trường hợp thời gian dạy học thực tế trong tháng từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu đủ tháng (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật). Bảo đảm nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng/năm học.
HĐND TP. Hà Nội khóa XVI cũng đã thông qua nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện chương trình sữa học đường. Theo đó, Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp tiếp tục thực hiện chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho đến khi "Đề án tổng thể về >sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước thì ngân sách hỗ trợ 50%; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.