Vụ hỏa hoạn thiêu rụi 6 căn nhà ở huyện Thanh Trì ngày 4-3 tiếp tục cảnh báo người dân về an toàn cháy nổ khu dân cư, nhất là mùa nắng nóng

06:43 05/03/2018

Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 4-3, trên đường Tân Triều mới (giáp làng nghề Triều Khúc), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP >Hà Nội, người dân phát hiện lửa bùng phát tại một xưởng giày.


1 tháng hơn 68 vụ cháy

Người dân đã tri hô báo cháy, đồng thời sử dụng các phương tiện chữa cháy cá nhân để dập lửa song bất thành. Ngọn lửa bùng lên dữ dội do khu vực bị cháy là dãy cửa hàng, nhà dân có chứa nhiều vật liệu dễ bắt lửa. 12 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hàng chục chiến sĩ sử dụng vòi rồng phun nước vào ngọn lửa, tổ chức sơ tán người dân và di chuyển tài sản.

Lực lượng chức năng điều tra tại hiện trường vụ cháy 6 căn nhà ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội ngày 4-3 Ảnh: HUY THANH

 Đến 11 giờ cùng ngày, ngọn lửa đã lan rộng ra 6 ngôi nhà, cửa hàng, quán bia cùng 3 căn nhà được sử dụng làm địa điểm kinh doanh. Sau các nỗ lực của lực lượng chức năng, đến 12 giờ cùng ngày, "bà hỏa" đã bị khống chế. Không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ 6 căn nhà đã bị thiêu rụi.

Mới đây, hôm 5-2, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một ngôi nhà trên phố Trương Định, quận Hoàng Mai. Sáu người bị mắc kẹt bên trong do tất cả lối thoát hiểm đều bịt kín bởi hàng rào sắt kiên cố. Cảnh sát PCCC đã dập lửa, giải cứu cả 6 nạn nhân ra ngoài.

Chỉ trong tháng 1-2018, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 68 vụ cháy khiến 1 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 12,5 tỉ đồng. Dịp Tết Mậu Tuất 2018 (từ ngày 14 đến 20-2), Hà Nội xảy ra 14 vụ cháy nhưng không thiệt hại về người.

Trước hiểm họa này, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã liên tục cảnh báo người dân về an toàn cháy nổ trong khu dân cư, đặc biệt là các khu tập thể cũ.

"Chuồng cọp" ở khu chung cư

Tại Hà Nội, ở các khu tập thể cũ như Nghĩa Tân, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Trung Tự…, người dân đã cơi nới, hàn "chuồng cọp" bằng sắt thép để tăng diện tích. Các khu nhà tập thể hầu hết đã trải qua hàng chục năm sử dụng, hệ thống báo cháy không có. Lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính qua cầu thang bộ hoặc ban công căn hộ khi lực lượng cảnh sát tiếp cận. Tuy nhiên, hầu hết các ban công đã bị "chuồng cọp" bịt kín.

Cảnh sát PCCC Hà Nội nhìn nhận việc cơi nới để làm "chuồng cọp" vô tình kéo nhà gần với đường dây điện. Thậm chí, có những hộ gia đình còn làm "chuồng cọp" lồng vào cả đường dây điện. Nếu xảy ra sự cố cháy, nổ tại các căn hộ này, lực lượng PCCC rất khó tiếp cận cứu người.

Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 3 - Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết mới đây, phòng đã phối hợp với UBND quận Cầu Giấy tổ chức kiểm tra, rà soát các căn hộ trong nhà tập thể A12, phường Nghĩa Tân để có giải pháp phòng cháy, thoát nạn hiệu quả đối với các khu tập thể cũ.

Trước tình trạng lối thoát ban-công bị bịt kín bởi "chuồng cọp", Cảnh sát PCCC và chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân mở cửa thoát hiểm tại các khu vực "chuồng cọp" dự phòng khi có sự cố cháy nổ. Kích thước cửa tối thiểu là 0,6 x 0,8 m, tùy thực tế từng căn hộ có thể to hơn.

Phòng Cảnh sát PCCC số 4 cũng đã triển khai tuyên truyền, cắt khung sắt tạo cửa thoát hiểm tại các "chuồng cọp" của nhiều căn hộ tập thể cũ trên địa bàn quận Long Biên. Sắp tới, lực lượng cảnh sát PCCC sẽ triển khai rộng rãi tại các khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội. 

 

Tháng 2-2018, 376 vụ cháy

Tháng 2-2018, cả nước xảy ra 376 vụ cháy, nổ (tăng 37 vụ so với tháng 1), làm chết 10 người, bị thương 27 người, tài sản thiệt hại ước tính gần 165 tỉ đồng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân đề phòng hỏa hoạn khi đốt vàng mã, hóa sớ trong những ngày lễ hội đầu năm tại các đền, chùa, nơi tập trung đông người.

Theo Huy Thanh, Minh Chiến/Người lao động