Cô gái không phục trước kết quả của nhà tuyển dụng nên ngay lập tức đã bày tỏ thái độ thế này đây!
Một trong những kỹ năng quan trọng của một ứng viên khi đi tìm kiếm việc làm đó chính là kỹ năng viết CV và thư xin việc sao cho hợp quy chuẩn lẫn gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng. Tưởng chừng điều này không mấy ảnh hưởng đến quyết định của các doanh nghiệp, công ty khi tuyển nhân viên, nhưng ngược lại, họ sẽ nhìn vào đấy để đánh giá bước đầu sự nghiêm túc, chuyên nghiệp và thái độ làm việc của ứng viên.
Mới đây, một người làm công việc hành chính nhân sự nhiều năm cho 1 công ty đã đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội và thu hút nhiều sự chú ý. Theo đó, người này đã đăng tin tuyển dụng vị trí nhân viên mua hàng với yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ phải biết tiếng Trung ở mức độ HSK 5 (1 trong 2 cấp trình độ tiếng Trung cao và khó nhất).
Sau khi đăng tuyển, công ty này nhận được nhiều thư apply cho vị trí trên và đã tiến hành lọc hồ sơ, tiếp theo công ty gửi thư thông báo kết quả đến cho những người đã gửi mail. Trong đó, 1 ứng viên vì không phục với việc mình bị loại ngay vòng lọc hồ sơ và sẵn sàng đối chất với công ty qua tin nhắn.
Theo đó, lý do mà nhà tuyển dụng từ chối hồ sơ của ứng viên này là vì công ty nhận được mail xin việc được forward (chuyển tiếp từ mail khác) chứ không phải là một mail được soạn và viết mới hoàn toàn.
Ngoài ra vì ứng viên chưa thực sự phù hợp với vị trí nhân viên mua hàng khi yêu cầu của công việc cần các kỹ năng đọc và viết tiếng Trung hơn là nói và nghe như công việc trước đó của người này nên công ty này đã gửi thư từ chối.
Cô gái này sau đó đã nhắn tin với nhân viên HR của công ty và hoạnh họe đủ đường. Cô cho rằng, cách viết CV không ảnh hưởng đến năng lực, ngoài ra còn biện minh lý do mình chuyển tiếp mail là do máy tính hỏng. Cô còn tự tin nói rằng không phải công ty nào mình cũng gửi CV vì tiêu chí khi cô bạn này chọn apply là gần nhà và phù hợp với sở thích.
Có thể thấy, trong câu chuyện này, ứng viên có thể không sai khi muốn tìm hiểu nguyên do mình bị loại nhưng hạch sách và cãi tay đôi với đơn vị tuyển dụng thì quả thật cô gái đã hơi mất bình tĩnh và nhất là dù nhận được lời giải thích, cô gái vẫn không có sự lắng nghe và tiếp thu, những đức tính cần thiết khi đi làm của dân công sở.
Cách viết mail xin việc rõ ràng cũng mắc nhiều lỗi cơ bản như sử dụng máy móc những câu mở đầu và kết thúc bằng "Dear all" hay "Thank you", nội dung thư cũng không thể hiện rõ sự quan tâm và mong muốn gia nhập đội ngũ của công ty.
Đặc biệt là lỗi cực kỳ nghiêm trọng mà HR đã đề cập, đó là việc chuyển tiếp mail xin việc từ một mail khác, điều này dễ khiến người khác hiểu rằng bạn đã có nhiều sự lựa chọn nơi làm việc trước đó và bạn cũng chẳng muốn bỏ chút thời gian ít ỏi ra để hoàn tất một chiếc mail nghiêm túc.
Nhiều người cũng đưa ra lời khuyên cho HR khi phải đối mặt với kiểu ứng viên thế này đó là nên im lặng hoặc tìm lý do khác như đã tìm được ứng viên phù hợp để không kéo dài cuộc nói chuyện vì dẫu sao không phải ai cũng chịu khó để nghe nhận xét của người khác về bản thân mình, nhất là qua phương tiện gián tiếp như tin nhắn.
Câu chuyện được nhiều dân công sở và đặc biệt là những người đang làm công việc HR bàn tán xôn xao và đưa ra nhiều ý kiến.
Bạn Đ.T.M.D chia sẻ: "Lên group tuyển dụng thấy nhiều thư xin việc viết sai chính tả , chấm phẩy tùm lum , nhưng chống chế biết ngoại ngữ hai thứ tiếng Anh - Hoa , nên sai tiếng Việt."
Bạn H.Đ bình luận: "Kinh nghiệm tuyển dụng của mình sẽ xét tuyển theo 3 tiêu chí theo thứu tự ưu tiên: (1) Thái độ, (2) Năng lực và (3) Kinh nghiệm. Và chỉ góp ý và đưa ra lời khuyên với các ứng viên fail ở vòng (2) và (3). Với các ứng viên fail ở vòng (1) Thái độ thì tốt nhất là không đưa ra nhận xét và lời khuyên gì. Chỉ đơn giản là không phù hợp.."
Bạn C.A.V tâm sự: "Eo ơi, thật sự đấy dùng điện thoại mà phải Forward thế này á ? Mình vẫn dùng điện thoại gửi CV hàng ngày mà chẳng bao giờ vướng Forward thế này luôn. Lưu cái tệp CV đó về, muốn ứng tuyển đâu thì làm cái cover letter đôi ba dòng ứng kèm CV nó có khó khăn đâu mà!"