Theo lời khai của bị can Trần Xuân Yến - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, chính giám đốc sở này, ông Hoàng Tiến Đức, đã đưa thông tin của 8 thí sinh để nhờ rút bài sửa nâng điểm.
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a, khoản 2, điều 356 Bộ luật hình sự.
Giám đốc sở "gửi gắm" 8 trường hợp
Theo kết quả điều tra (đã được tống đạt đến các bị can), trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến được phân công là ủy viên ban chỉ đạo thi của tỉnh, phó chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi, phó trưởng ban thường trực ban coi thi, phó trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Kết quả điều tra cho thấy vị phó giám đốc sở này đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp do chính giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La "gửi gắm".
Cụ thể, theo ông Yến, ngày 28-6-2018, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, gọi ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo "đặt hàng".
Cũng ngày 28-6, ông Nguyễn Ngọc Hà - trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - đến gặp ông Yến tại phòng làm việc và đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Trong số này có 2 trường hợp trùng với danh sách giám đốc sở đã nhờ trước đó.
Sau khi có thông tin của 13 thí sinh, ông Yến tổng hợp thành một danh sách, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần phải đạt được của từng thí sinh.
Sau đó, ông Yến trực tiếp đưa danh sách này cho Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm - để Nga giải quyết.
Một số người tự nộp lại tiền
Kết quả điều tra cũng cho thấy ngoài ông Trần Xuân Yến nhận giúp 13 thí sinh, bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhận giúp 16 thí sinh. Bị can Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La) nhận giúp 4 thí sinh. Bị can Lò Văn Huynh (trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 7 thí sinh.
Bị can Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 4 thí sinh. Bị can Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 1 thí sinh. Bị can Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 2 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh là em vợ.
Về "chi phí" để giúp rút bài sửa nâng điểm, có bị can khai để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng. Được biết, quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Chỉ mới giai đoạn 1
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, kết quả điều tra trên mới chỉ là giai đoạn 1 vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La. Trong giai đoạn 1 này, cơ quan điều tra mới chỉ tập trung làm rõ hành vi của 8 bị can xoay quanh việc sửa điểm bài thi trắc nghiệm cho 44 thí sinh và sửa điểm bài thi tự luận (môn ngữ văn) cho một số thí sinh khác, cũng như sự tiếp tay của 2 cán bộ công an.
Cơ quan công an cũng làm rõ về động cơ sửa bài thi, điểm thi của các bị can trong vụ án; cách thức các bị can thực hiện việc sửa bài thi, điểm thi của từng thí sinh; mức độ can dự của từng cá nhân trong đường dây gian lận thi cử có tổ chức này.
Nhiều việc phải làm trong giai đoạn 2
Với lời khai chi tiết của bị can Trần Xuân Yến về vai trò của ông Hoàng Tiến Đức trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ có nhiều việc phải làm trong giai đoạn 2 của vụ án, trong đó cần thiết phải xem xét khởi tố điều tra đối với cá nhân này, cũng như làm rõ vai trò của một số trung gian "nhờ vả" nâng điểm và số phụ huynh liên quan tới việc nâng điểm này.
Liên quan tới vụ án gian lận thi cử, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết Tỉnh ủy Sơn La đã yêu cầu số cán bộ đảng viên có con nằm trong danh sách những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La phải làm báo cáo giải trình.
Ông Hoàng Tiến Đức nói gì về lời khai của cấp phó?
Sáng 25-5, báo Người đưa tin cho biết đã liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, để hỏi về thông tin bị can Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở, khai với cơ quan điều tra được chính giám đốc “nhờ” sửa bài nâng điểm cho 8 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Theo báo này mô tả, ông Hoàng Tiến Đức tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc, rồi trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy”.
Khi phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Tức là thông tin ông Yến khai là không đúng?” - ông Hoàng Tiến Đức đáp: “Ừ”, sau đó cúp máy.
Trước đó, hôm 1-8-2018, một ngày sau khi 5 thuộc cấp bị khởi tố, trả lời báo Tuổi Trẻ qua điện thoại về trách nhiệm của Sở GD-ĐT vì để xảy ra sai phạm gian lận thi cử ngay tại đơn vị, ông Hoàng Tiến Đức từng nói: “Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ. Anh em sai phạm đến đâu thì xử lý theo quy định pháp luật đến đó. Chúng tôi sẽ có thông tin đến cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành hiểu, ổn định tư tưởng, tâm lý cho năm học mới”.
8 thí sinh giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La "nhờ" nâng điểm
* Số báo danh 1400.0619: Nâng điểm toán, ngữ văn, lịch sử để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1279: Nâng điểm toán, vật lý, tiếng Anh để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1545: Nâng điểm toán, ngữ văn, lịch sử để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1293: Nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1415: Nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng số 24 điểm.
* Số báo danh 1400.1479: Nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng số 27 điểm.
* Số báo danh 1400.1394: Nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng số 24 điểm.
* Số báo danh 1400.1480: Nâng điểm toán, vật lý, hóa học để đạt tổng số 24 điểm.