Do giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục đi xuống nên giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày mai (21/12) được dự đoán sẽ giảm lần thứ 5 liên tiếp, đây có thể là mức thấp kỷ lục, lập đáy giá của năm 2018 từ đỉnh cao 20.906 đồng/lít xăng E5 thiết lập vào ngày 6/10/2018.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, trong 15 ngày qua, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapor tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Có thời điểm, giá xăng RON 92 nhập về chỉ ở mức 55,93 USD/thùng, thấp nhất trong hơn 1,5 năm nay.
So với đợt đỉnh cao là hơn 90 USD/thùng xăng RON 92, giá xăng nhập về hiện nay đã giảm rất mạnh.
Trung bình 15 ngày qua, giá xăng RON 92 nhập về ở mức khoảng 59 USD/thùng, thấp hơn mức giá trung bình 15 ngày trước đó khoảng 3 USD/thùng.
Như vậy, giá xăng ngày 21/12 có thể sẽ tiếp tục giảm lần thứ 5 liên tiếp. Song, mức giảm sẽ không được nhiều như kỳ trước đó.
Theo tính toán, nếu cơ quan quản lý giữ nguyên Quỹ bình ổn thì giá xăng sẽ giảm thêm từ 200-400 đồng/lít. Còn nếu cơ quan điều hành xả hết Quỹ bình ổn thì giá xăng sẽ được giữ nguyên. Riêng với mặt hàng dầu, kỳ điều chỉnh này có thể giảm 400-600 đồng/lít.
Nếu giá xăng giảm trong kỳ điều chỉnh ngày mai, thì đây là lần thứ 5 liên tiếp giá mặt hàng này hạ nhiệt kể từ hôm 22/10.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 22/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá xăng và giữ nguyên giá dầu. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 224 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 144 đồng/lít. Còn các loại dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut giữ nguyên giá.
Sau 4 đợt giảm giá liên tiếp, giá xăng E5RON92 giảm hơn 3.600 đồng/lít, còn xăng RON95 giảm hơn 3.800 đồng/lít.
Đợt điều chỉnh >giá xăng dầu ngày 21/12 sẽ là lần điều hành giá cuối cùng của năm 2018, khép lại một năm đầy biến động của giá xăng dầu.
Bước sang năm 2019, giá xăng dầu sẽ chịu thêm một tác động mới, ảnh hưởng đến giá xăng dầu là tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần.
Cụ thể, thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.
Dự kiến, ngân sách có thể thu thêm được hơn 15 nghìn tỷ/năm từ việc tăng thuế lên kịch khung này.