Giá vàng hôm nay 9/7 trên thị trường thế giới trở lại cuộc đua tăng giá với cú bứt phá lên trên ngưỡng 1.400 USD do giới đầu tư lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một cuộc chiến cắt giảm lãi suất.
Mở cửa lúc 8h30 sáng 9/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 38,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 38,90 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200 ngàn đồng chiều mua vào và giảm 300 ngàn đồng bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 38,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 38,87 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ ngày 8/7.
Tới đầu giờ sáng 9/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.403 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 8 năm 2019 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.406 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 7,7% (100,5 USD/ounce) so với đầu năm 2018. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 38,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn 200 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới trở lại cuộc đua tăng giá với cú bứt phá lên trên ngưỡng 1.400 USD do giới đầu tư lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một cuộc chiến cắt giảm lãi suất đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới.
Cuộc chiến tiền tệ đang tiếp tục. Sau khi Australia cắt giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có dấu hiệu nới lỏng lãi suất sau khi tổng thống Tayyip Erdogan sa thải Thống đốc Ngân hàng Trung ương Murat Cetinkaya do có bất đồng ngày càng sâu sắc về thời điểm hạ lãi suất để vực dậy nền kinh tế. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 2%.
Vàng tăng giá còn do thông tin cho thấy Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh mua vàng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa mua thêm 10,3 tấn vàng đưa vào dự trữ. Trung Quốc đã mua vàng đều đặn kể từ tháng 12/2018, với tổng cộng khoảng 85 tấn trong bối cảnh Bắc Kinh giảm dự trữ bằng đồng USD và trái phiếu Mỹ.
Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới, trong năm 2018, 50% lượng vàng mua xuất phát từ ngân hàng trung ương các nước. Tổng cộng năm ngoái các NHTW đã mua 651,5 tấn vàng. Đây là mức mua cao nhất trong khoảng nửa thế kỷ qua. Trong quý 1/2019, lượng vàng được mua thông qua các con đường chính thức là 145,5 tấn, tăng 68% so với cùng kỳ 2018.
Cuối tuần trước, vàng đã quay đầu giảm mạnh vì báo cáo việc làm Mỹ tốt hơn nhiều so với dự kiến. Tuy nhiên, theo Kitco, phân tích kỹ thuật cho thấy giá vàng vẫn đang trong xu hướng đi lên.
Ở vào thời điểm hiện tại, giới đầu tư đang tỏ ra thận trọng với khả năng không biết Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có cắt giảm lãi suất trong tháng 7 hay không khi mà Mỹ công bố số liệu tăng trưởng việc làm ấn tượng và các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được nối lại. Nền kinh tế Mỹ ghi nhận có thêm 224.000 việc làm mới trong tháng 6, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7% và tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức 3,1%.
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi phiên điều trần của ông Jerome Powell vào thứ Tư và thứ Năm tuần này để có thêm gợi ý về định hướng của chính sách tiền tệ trong tương lai.
Theo FedWatch, thị trường đã điều chỉnh lại kỳ vọng cắt giảm lãi suất, hiện dự kiến 95,1% cơ hội cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày 31/7 và chỉ có 4,9% cơ hội cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.
Vàng còn được hỗ trợ bởi một đồng USD đang giảm trở lại từ mức cao trong nhiều tuần và chứng khoán toàn cầu giảm điểm. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 8/7 đa số các cửa hàng vàng giữ giá vàng 9999 trong nước không đổi ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Tính tới cuối phiên giao dịch 8/7, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 38,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,20 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 38,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,07 triệu đồng/lượng (bán ra).