Giá vàng hôm nay (6/3): Rạng sáng nay, giá vàng thế giới chạm mốc kỷ lục mới.
Theo thông tin từ Dân Trí, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 78,8-80,8 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán là 2 triệu đồng. Mức cao nhất ghi nhận của vàng miếng trong phiên hôm qua là 78,9-80,9 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Vàng nhẫn là mặt hàng tăng mạnh nhất. Kim loại này ghi nhận mức tăng đều đặn qua từng ngày và liên tiếp phá vỡ các kỷ lục được thiết lập. Chốt phiên hôm qua, vàng nhẫn được niêm yết tại 66,55-67,85 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Hôm qua, mỗi lượng vàng nhẫn tăng gần 1 triệu đồng ngay khi mở cửa phiên và phá đỉnh lịch sử từng thiết lập. So với đầu năm, mỗi lượng vàng nhẫn đã tăng gần 4,5 triệu đồng một lượng, tương đương mức tăng 7% chỉ trong 2 tháng.
Giá vàng trong nước tăng đồng thuận với thế giới. Trên Kitco, >giá vàng hôm nay đạt 2.130 USD, tăng tiếp 20 USD. Nếu quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng miếng trong nước cao hơn 17 triệu đồng còn vàng nhẫn cao hơn 4,5-5,5 triệu đồng so với thế giới.
Dẫn tin từ báo Quân đội nhân dân, giá vàng thế giới tiếp đà tăng với vàng giao ngay tăng 12,1 USD lên 2.127,2 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.136,4 USD/ounce, tăng 10,1 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới tiếp đà bứt phá khi thị trường ngày càng chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6 sau một loạt báo cáo kinh tế yếu kém.
Rạng sáng hôm nay (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay có thời điểm đã chạm mốc 2.141,59 USD/ounce, cao hơn 6 USD so với mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 12-2023.
Chiến lược gia hàng hóa Bart Melek của TD Securities cho rằng, yếu tố chính đẩy vàng lên cao vào tuần này là kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên. Thị trường ngày càng tin rằng Fed sẽ sớm đưa ra quyết định nới lỏng. Chuyên gia này dự báo, với niềm tin như vậy, giá vàng thế giới có thể được đẩy lên mức 2.300 USD/ounce trong quý II năm nay.
Bên cạnh đó, nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại liên quan đến cuộc xung đột ở Trung Đông cũng hỗ trợ mạnh cho kim loại màu vàng. Vàng, thường được sử dụng như một phương tiện lưu trữ giá trị an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính, đã tăng hơn 300 USD kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Israel-Hamas.
Theo chiến lược gia hàng hóa Nitesh Shah của WisdomTree, rủi ro địa chính trị xuất phát từ cuộc xung đột và một năm với lịch bầu cử dày đặc trên toàn cầu có thể sẽ khiến nhu cầu bán lẻ vàng tiếp tục tăng mạnh.
Chuyên gia này nói thêm rằng, không có gì ngạc nhiên nếu vàng tăng giá khi Fed bàn tính việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, kim loại quý này sẽ còn bứt phá hơn nữa khi đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên được tiến hành.
Hiện tại, thị trường đang nóng lòng chờ đợi xem Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ nói gì tại phiên điều trần trước Quốc hội trong tuần này để biết rõ hơn về lộ trình lãi suất của Mỹ. Bên cạnh đó, báo cáo việc làm tháng 2 dự kiến được công bố vào thứ Sáu cũng là thông tin thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vì dữ liệu này có thể thay đổi tâm lý thị trường và đẩy vàng về phạm vi gần đây.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện nhận thấy 70% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
Với giá vàng trong nước tiếp tục tăng và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.127,2 USD/ounce (tương đương gần 63,7 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 17 triệu đồng.