Dự báo giá vàng hôm nay 4/6/2024, giá vàng trong nước nối dài đà giảm sâu sau khi các ngân hàng thương mại nhà nước mở bán vàng trực tiếp cho người dân.

Đ.T.T (TH) 08:23 04/06/2024

Theo thông tin từ báo Quân đội Nhân dân, >giá vàng trong nước nối dài đà giảm sâu sau khi các ngân hàng thương mại nhà nước mở bán vàng trực tiếp cho người dân. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 77,98 triệu đồng/lượng mua vào và 79,98 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh giảm 3,02 triệu đồng ở cả 2 chiều.

DOJI tại khu vực Hà Nội đã giảm giá vàng miếng 3,45 triệu đồng chiều mua và 3,25 triệu đồng chiều bán xuống lần lượt 77,5 triệu đồng/lượng và 79,5 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.

Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức 77,98 triệu đồng/lượng mua vào và 79,98 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 5,02 triệu đồng giá mua và 7,02 triệu đồng giá bán. Vàng miếng PNJ đang mua vào mức 77,98 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 79,98 triệu đồng/lượng, giảm 2,97 triệu đồng chiều mua và 3,02 triệu đồng chiều bán.     

Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 78 triệu đồng/lượng và 79,98 triệu đồng/lượng, giảm 3 triệu đồng chiều mua và 3,02 triệu đồng chiều bán so với rạng sáng qua.  Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 78 triệu đồng/lượng và bán ra 79,98 triệu đồng/lượng, giảm 3 triệu đồng giá mua và 3,02 triệu đồng giá bán 

Hôm qua, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Công ty Trách nhiệm hữu hạn vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đồng loạt bán vàng miếng SJC theo giá “cam kết” với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, với nguồn cung dồi dào cùng các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là trong việc thanh tra một số đơn vị kinh doanh vàng, thị trường vàng thời gian tới sẽ đi vào ổn định.

Giá vàng trong nước giảm mạnh - Ảnh minh họa: Quân đội Nhân dân

 

Theo thông tin từ báo Thế giới và Việt Nam, theo TS. Trương Văn Phước, phương án Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mục đích của bán can thiệp vàng là để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi.

Trong khi đó, chuyên gia Trương Vi Tuấn cho rằng, thị trường vẫn rất “ngóng” việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đang áp dụng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không được nhập, dập vàng miếng. Khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý và trong thời gian qua cũng không phát hành thêm vàng miếng. Vì vậy, nguồn cung vàng miếng bị khan hiếm và giá chênh lệch trong nước và thế giới luôn ở mức cao, trên 15 triệu đồng/lượng.

Trường hợp nếu bỏ độc quyền vàng miếng, các doanh nghiệp khác như PNJ, DOJI được sản xuất vàng miếng, điều này sẽ khiến giá vàng miếng kéo sát lại gần với giá vàng nhẫn, vàng trang sức. Có thể nói, chỉ khi chính sách độc quyền vàng miếng thay đổi mới tạm thời tác động đến giá vàng miếng.

Cùng với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bắt đầu tham gia mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bán trực tiếp tới người dân từ 14h30 chiều 3/6.

Cập nhật lúc 15h cùng ngày 3/6, ở Trung tâm Vàng bạc Đá Quý SJC Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã "cháy hàng" và ngừng nhận đặt cọc đối với vàng miếng SJC. Đối với hàng nhẫn, khách hàng có thể mua với hạn mức 5 chỉ mỗi giao dịch.

Đ.T.T (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe