Sau khi giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi bỏ chuồng trại khiến xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) - thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc ngày càng ảm đạm, im ỉm.
Theo thông tin từ VTC News, anh Trần Mậu Thịnh ở thôn Đội 1 - chủ trang trại chăn nuôi heo lớn nhất xã - cho biết, trước đây trang trại của gia đình anh lúc nào cũng có ít nhất 2.000 con heo trọng lượng hơn trăm kg/con. Có thời điểm giá heo cao, trang trại nuôi đến hơn 5.000 con với hàng chục lao động thường xuyên và đỉnh điểm thu lãi vài tỷ đồng/năm.
Anh Thịnh thường mua heo nặng khoảng 100kg/con về nuôi 20 - 30 ngày, sau khi heo tăng khoảng 25 - 30kg sẽ xuất bán. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, giá heo hơi liên tục xuống thấp. Giá bán tại chuồng loại 1 là 47.000 đồng/kg, heo loại 2 trở xuống giá 45.000 đồng/kg.
“Không tính tiền giống, nuôi mỗi con heo trọng lượng từ 100 kg đến khi đạt 140kg sẽ "ngốn" chi phí chăn nuôi khoảng 1.700.000 đồng, gồm cả nhân công chăn nuôi, điện nước, thức ăn gia súc. Đó là chưa tính chi phí khấu hao trang trại. Nếu bán với giá 47.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi con heo sau khi bán may mắn sẽ hòa vốn. Không may heo ốm hoặc chết vài con thì người nuôi lỗ nặng. Hiện để giữ chân người lao động và duy trì trang trại, tôi chỉ nuôi hơn 500 con, giảm 90% tổng đàn so trước đây”, anh Thịnh nói.
Anh Du Văn Tân, một chủ trang trại khác ở xã Ngọc Lũ cũng đang cầm cự nuôi hơn 50 con heo cho biết, người dân ở xã vài tháng nay chịu nghịch cảnh: càng nuôi càng lỗ, nuôi ít lỗ ít, không chăn nuôi thì không thua lỗ. Nguyên nhân là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhiều tháng nay và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, trong khi giá heo hơi giao dịch tại chuồng ở mức từ 45.000 - 47.000 đồng/kg, thấp kỷ lục kể từ năm 2019 đến nay.
“Gia đình tôi còn nuôi vài chục con heo để duy trì các mối cung cấp nguồn heo giống, nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi và cũng là tạo việc làm cho chính bản thân. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp để kích cầu tiêu dùng, tăng giá giúp người chăn nuôi bớt thua lỗ”, anh Tân nói.
Anh Phạm Văn Hùng và Phạm Công Thịnh, ở thôn Đội 1, xã Ngọc Lũ - hai trong số hàng trăm chủ trang trại, hộ chăn nuôi đã phải bỏ chuồng, không tái đàn từ đầu năm 2023 đến nay - than thở: Thời điểm này, càng nuôi heo càng thua lỗ.
Trước đây, trang trại của các anh Thịnh lúc nào cũng có từ 200 con heo trở lên, nhưng vài tháng nay, gia đình đã bỏ trống chuồng trại, chuyển sang nghề làm đậu phụ và quay lại trồng lúa để có thu nhập, không phải gánh nợ bởi giấc mộng làm giàu vì chăn nuôi. Trang trại chăn nuôi đã đầu tư hàng tỷ đồng với hệ thống phễu dẫn cám cho heo ăn điều khiển tự động, cân điện tử để mua heo giống và xuất bán heo thịt, anh Thịnh cho biết, đó là khoản đầu tư không hề nhỏ. Hiện trang trại bỏ không, phễu cho thức ăn, xô, chậu và cả cân điện tử bị xếp xó ngay tại trại chăn nuôi. Hệ thống điện cũng được ngắt để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, các chuồng trại thì mạng nhện bám chằng chịt.
“Ở thôn Đội 1 không chỉ gia đình tôi và gia đình anh Hùng bỏ không chuồng trại mà trong số hơn 400 hộ gia đình chăn nuôi trước đây, giờ còn lại chưa đến 100 hộ tiếp tục chăn nuôi. Số hộ này cũng chỉ duy trì từ vài con đến vài chục con, giảm hơn 70% số đàn heo so với trước”, anh Thịnh nói.
Bà Trần Thị Bốn, cán bộ thú y xã Ngọc Lũ cho biết, “cơn lốc” heo hơi rớt giá thê thảm kéo dài từ cuối năm 2016 đến hết năm 2017 và dịch tả lợn châu Phi diễn ra vào năm 2019 khiến cho hàng trăm hộ dân trong xã rơi vào nợ nần chồng chất, hàng trăm gia đình phải gánh món nợ hàng tỷ đồng và chưa kịp hồi phục. Nay giá heo hơi lại liên tục xuống thấp khiến người dân càng trở nên lo lắng, bỏ hoang chuồng trại.
“Năm 2022, Ngọc Lũ có 5 thôn với hơn 2.300 hộ gia đình thì có đến 1.600 hộ nuôi heo với tổng đàn hơn 65.000 con. Nay cả xã chỉ còn lại 300 trang trại, hộ gia đình chăn nuôi heo với số lượng hơn 17.000 con. Nhiều gia đình đầu tư trang trại hàng trăm triệu, thậm chỉ hàng tỷ đồng giờ bỏ không để đi làm công nhân các khu công nghiệp. Có những gia đình cộng từ số nợ cũ trước đây với nợ mới nên đã phải giao bán nhà, đất”, bà Bốn nói.
Theo thông tin từ báo Công Thương, vào ngày 4/4, tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, các địa phương bao gồm Yên Bái, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình đang được thương lái thu mua heo hơi ở mức 49.000 đồng/kg. Cùng ghi nhận mức tăng 1.000 đồng/kg, giá heo hơi hôm nay tại Phú Thọ ghi nhận ở mức 50.000 đồng/kg. Đây cũng là giá được ghi nhận tại Lào Cai sau khi thương lái tăng thu mua 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Mức giá cao nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại các địa phương bao gồm Bắc Giang, Hưng Yên và Vĩnh Phúc sau khi thu tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay tăng/giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, sau khi hạ một giá, heo hơi tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được thu mua với giá 48.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, thương lái cũng điều chỉnh >giá heo hơi giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thương lái điều chỉnh giá heo hơi tăng 1.000 đồng/kg lên mức 49.000 đồng/kg. Tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh giá thu mua tăng 2.000 đồng/kg lên mức 50.000 đồng/kg. Ghi nhận mức tăng giá cao nhất khu vực 3.000 đồng/kg, thương lái tại Thanh Hóa đang thu mua heo hơi ở mức 51.000 đồng/kg. Đây là mức thu mua cao nhất khu vực.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay biến động trái chiều 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, tại Kiên Giang, thương lái điều chỉnh giá heo hơi giảm 1.000 đồng/kg về mức 50.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, sau khi điều chỉnh thu mua tăng 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Trà Vinh đứng ở mức 51.000 đồng/kg. Sau khi tăng lần lượt 1.000 đồng và 2.000 đồng/kg, hai tỉnh Vĩnh Long và Bạc Liêu cùng ghi nhận giá heo hơi cao nhất khu vực với 52.000 đồng/kg.