Chuyên gia cho rằng, người dân nên lắp một công tơ riêng, nối tiếp từ nguồn điện của EVN để theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, cũng cần một đơn vị độc lập để kiểm tra.
Trong kỳ thanh toán hoá đơn tiền điện vừa qua, rất nhiều khách hàng bất ngờ vì hóa đơn >tiền điện tăng "sốc" với số tiền điện tăng cao hơn bình thường, thậm chí có trường hợp cao gấp 300 lần so với kỳ thanh toán hoá đơn trước đó.
Theo thống kê của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), số liệu thống kê cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.
Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, hoá đơn tiền tiện tăng "sốc" thời gian vừa qua có nhiều mập mờ cần phải làm rõ.
"Nhiều người cùng phản ánh về việc hoá đơn tiền kiện tăng bất thường thì bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần có trách nhiệm làm minh bạch vấn đề này, có sự giám sát của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Thanh tra Chính phủ", ông Thành nói.
Cũng theo TS Thành, người dân nên lắp một công tơ riêng, nối tiếp từ nguồn điện của EVN để theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, cũng cần một đơn vị độc lập để kiểm tra việc "kiểm định công tơ".
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định tiến hành kiểm tra về giá điện nên cơ quan này cần nhanh chóng công khai kết luận kiểm tra để người dân, dư luận có thể thấy bức tranh đầy đủ về giá điện thời gian vừa qua.
"Đây là vấn đề mà dư luận thực sự rất quan tâm", ông Thành nói thêm.
Còn chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho hay, giá điện hiện nay được đánh theo lũy tiến và nếu người dân sử dụng càng nhiều tiền đóng càng cao.
Cách làm này, theo ông Doanh có thể giúp người dân tiết kiệm điện, tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng nhiều, mà cách tính lại thay đổi thì đây là cách gián tiếp làm tăng giá điện.
Để minh bạch về giá điện, TS Lê Đăng Doanh đề nghị nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra.
Cơ quan này sẽ làm việc với EVN, nếu có dấu hiệu bất thường trong cách tính giá điện, ghi chỉ số công tơ thì có thể đề nghị một số đơn vị chức năng khác như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý Cạnh tranh để can thiệp.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, bên cạnh yếu tố thời tiết, việc tính tiền điện theo lũy tiến bậc thang mới chính là nguyên nhân khiến giá tăng cao như vậy.
Theo ông Long lý giải, trên thực tế, giá điện không điều chỉnh tăng đến hết năm thì chắc chắn mấy tháng này đều tính chung một giá điện. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến cho việc sử dụng thiết bị điện năng nhiều hơn, có nghĩa là số điện sẽ cao hơn những tháng trước.
Do đó, nguyên nhân có thể nhận định là do cách tính biểu giá điện bậc thang bởi từ lâu vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi khi cách tính này chỉ có lợi cho điện lực.
Ông nói thêm, cách càng dùng nhiều thì chi phí phải trả sẽ tăng luỹ tiến, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường (càng mua nhiều càng rẻ).
Điều này, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm, nghi ngờ.
Trước đó, vào tháng 5/2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định kiểm tra việc tăng giá điện và thu tiền điện. Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị kéo dài thời hạn công bố kết quả kiểm tra giá điện.
Mới đây, trao đổi với PV về việc kiểm tra tăng giá điện và thu tiền điện do Thanh tra Chính phủ (TTCP) chủ trì từ tháng 5/2019, một lãnh đạo cho biết cơ quan thanh tra đã hoàn tất việc kiểm tra. Hiện kết luận cuộc kiểm tra đã được TTCP báo cáo lên Chính phủ. Sau khi lãnh đạo Chính phủ có ý kiến, cơ quan này sẽ công khai.
”