Năm 2023 được nhận định là năm sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino trên toàn thế giới.
Năm 2023 được nhận định là năm sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của >hiện tượng El Nino. Tuy nhiên nhiều người chưa hiểu rõ về cơ chế hoạt động và ảnh hưởng của hiện tượng này đến thời tiết Việt Nam.
“El Nino” là thuật ngữ được dùng để chỉ hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 độ C trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần. Từ năm 2020 đến năm 2022 đều là năm La Nina. Đã 4 năm rồi, hiện tượng El Nino mới quay lại. El Nino không chỉ tác động đến nhiệt độ nhưng mùa Hè là thời điểm chứng kiến tác động rõ nét nhất của hiện tượng El Nino.
Trong 03 tháng (2-3-4/2023) chênh lệch nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương đang thấp hơn TBNN là 0,2 độ C. Tuy nhiên trong tuần đầu tháng 5/2023 nhiệt độ mặt nước biển khu vực này đã tăng và hiện tại đang cao hơn mức TBNN là 0,4 độ.
Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina, thế giới sẽ chứng kiến sự quay trở lại của El Nino. El Nino sẽ quay trở lại vào cuối mùa hè ở Bán cầu Bắc và khả năng sẽ phát triển mạnh vào cuối năm.
Tại Việt Nam, theo dự báo từ cơ quan khí tượng, El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2023 với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Như đã nói, El Nino không chỉ tác động đến nhiệt độ nhưng mùa Hè là thời điểm chứng kiến tác động rõ nét nhất của hiện tượng El Nino. Nhất là các đợt El Nino mạnh có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ ở nhiều nơi.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng trên cả nước đều cao hơn bình thường, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc.
Thực tế tại Việt Nam, trong năm 2023 nắng nóng đã xuất hiện sớm từ giữa tháng 3. Đến tháng 4, hàng loạt kỷ lục nhiệt độ được thiết lập ở nhiều điểm đo trên cả nước. Đặc biệt, đầu tháng 5 đã ghi nhận kỷ lục nắng nóng nhất trong lịch sử Việt Nam. Cụ thể, ngày 6/5, nhiệt độ cao nhất tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) là 44,1 độ, vượt qua kỷ lục 43,4 độ ngày 20/4/2019 tại Hương Khê (Hà Tĩnh). Ngay sau đó, ngày 7/5, nhiệt độ ghi nhận tại Tương Dương, Nghệ An là 44,2 độ, trở thành mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan khí tượng dự báo, nắng nóng có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn hơn so với năm 2022. Các đợt nắng nóng khả năng cũng sẽ dài hơn, khoảng 5 - 7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn.
Không chỉ mùa Hè, trong những năm El Nino số đợt >không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta cũng được dự báo sẽ ít hơn bình thường. Số đợt front lạnh, đặc trưng của các đợt không khí lạnh, qua Hà Nội của các tháng trong năm chỉ bằng 70%. Thời gian kết thúc hoạt động của không khí lạnh ở Việt Nam sớm hơn bình thường.
Theo thống kê trung bình mỗi năm có 5-7 xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Tuy nhiên trong những năm El Nino, dự báo trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn TBNN khoảng 28%. Ngoài ra, trong điều kiện El Nino, xoáy thuận nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9).
Ngoài ra, El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ), dẫn đến thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, càng làm tăng nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới, nhất là tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đáng chú ý là, một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; hiện nay, mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp; một số hồ chứa lớn lượng nước trữ trong các hồ chứa thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu m3, cá biệt hồ Bản Vẽ (Nghệ An) thiếu hụt tới 389 triệu m3.