"Giờ mình chết, mình khỏe cái thân, nhưng mà con bé nhỏ mới 3 tuổi sao chịu cho được. Thôi thì sống được ngày nào hay ngày đó, chứ chị chẳng còn cách nào xoay xở nữa…", lau vội nước mắt, chị Thắm ôm đứa con gái nhỏ vào lòng, đau đớn.
Câu nói của đứa con gái 3 tuổi khiến chị Trần Thị Thắm (41 tuổi) bật khóc. Đã 5 tháng trôi qua, cuộc sống của chị Thắm chỉ gói gọn trên chiếc giường tre ọp ẹp. Hết đi viện rồi quay về nhà nằm với vết thương lở loét, hoại tử một phần xương cột sống…, chị Thắm chẳng biết mình có thể đi được bao xa nữa khi phía trước chị chỉ thấy một màu tối tăm.
"Chị sợ lắm, sợ một ngày nào đó, mình bỏ lại chồng con mà đi", chị Thắm nấc nghẹn.
Hơn 10 năm nên duyên vợ chồng với anh Lý Văn Chính (48 tuổi), dù không có đất có vườn nhưng sự tằn tiện, tích góp của cả hai cũng đủ để vợ chồng dựng được căn nhà cấp 4 tạm bợ (thuộc ấp Ông Rùm, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, Trà Vinh). Hai đứa con gái Mỹ Huyền (12 tuổi) và Huyền Trân (3 tuổi) là tất cả những gì hai vợ chồng có được. Tưởng rằng cuộc sống của hai vợ chồng cứ thế bình dị trôi qua, nào ngờ chỉ sau một cơn bạo bệnh, mọi thứ dường như sụp đổ.
Ăn Tết Nguyên Đán được 1 tháng, những cơn đau lưng, cột sống xuất hiện khiến chị Thắm lo sợ. Gom hết tiền lên TP.HCM chữa trị, kết quả mà chị nhận được là chứng bệnh áp xe ngoài màng tủy (đoạn cột sống thắt lưng), phần từ bụng trở xuống gần như mất cảm giác.
Vì không đủ điều kiện để phẫu thuật, chị Thắm nuốt nước mắt vào lòng, bất lực xin chuyển viện về lại Trà Vinh để uống thuốc cầm cự. Vết thương từ đó cũng lở loét dần, không thể lành lặn như trước.
Chỉ vào phần da thịt trên lưng, chị Thắm nghẹn lời: "Giờ nó đã gom vô lần rồi, chứ lúc trước bị lỡ loét, mủ dữ lắm, chị cũng không thấy đau nữa, may mà ở chân vẫn còn có cảm giác. Ban đầu chị ngồi dậy có được đâu, tập dần mới được như thế này".
Đưa đôi mắt tròn xoe nhìn mẹ, Huyền Trân thỏ thẻ: "Mẹ phải mau hết bệnh để dẫn con đi chơi nha, con thương mẹ nhiều lắm". Có lẽ trong tâm thức của đứa trẻ 3 tuổi, Huyền Trân vẫn chưa cảm nhận hết nỗi đau đớn mà mẹ con đang phải gánh chịu. Con chỉ biết từ ngày mẹ bệnh, cha thì quần quật ở ngoài lăn lộn kiếm tiền, cuộc sống của con và mẹ chỉ gói gọn trong căn nhà chật chội.
Câu nói vô tư hỏi mẹ nào hết bệnh của Huyền Trân khiến chị Thắm không cầm được nước mắt. Ôm lấy đứa con gái nhỏ, chị Thắm rớt nước mắt: "Chị chỉ sợ một ngày nào đó, chị sẽ bỏ chồng con mà đi".
Từ ngày chị Thắm mắc bệnh, cuộc sống của cả gia đình rơi vào bế tắc khi số tiền mấy năm trời vợ chồng dành dụm đều chữa bệnh cho chị. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên đôi vai của anh Chính. Hơn 100 tờ vé số, hơn 100 ngàn kiếm được mỗi ngày, đó là tất cả những gì anh Chính làm được để vừa phụ chăm sóc, tập vật lý cho vợ, vừa chi tiêu, sinh hoạt cho cả nhà.
Chị Thắm chỉ mong sống thêm từng ngày để nhìn Huyền Trân lớn thêm một chút...
Nhiều lúc mệt mỏi, bất lực, chị Thắm tính dừng lại, nhưng câu nói của anh Chính khiến chị không nỡ buông bỏ. "Ảnh bảo tiền bạc có thể kiếm lại được chứ chị thì không, dù có cực khổ, vay mượn thế nào, miễn chị còn sống với 3 cha con là được. Mấy hôm bệnh tái phát, đau không chịu được, chỉ chỉ biết cầu nguyện, trong lòng toàn nghĩ đến chuyện tốt thôi.
Hai đứa con mình còn nhỏ quá, con Huyền thì có thể tự lo được chứ con Trân chỉ mới 3 tuổi. Chị chỉ mong sống được ngày nào hay ngày đó, nhìn con lớn thêm chút nữa là mừng rồi", chị Thắm xúc động nói.
Ngồi cạnh mẹ, Mỹ Huyền (12 tuổi) rưng rưng nước mắt khi nhìn những vết thương lở không lành trên lưng mẹ. Sau khi được nghỉ hè, Huyền theo cha đi bán vé số để kiếm thêm tiền lo thuốc men cho mẹ. "Con thấy nhà mình sao mà khổ quá, mẹ bệnh mà không có tiền, con sợ một ngày nào đó, mẹ chết rồi con không biết phải làm sao. Con chỉ mong mẹ mau hết bệnh thôi, con chưa dám nghĩ điều xấu nhất sẽ đến", Huyền bật khóc.
17h chiều, căn nhà ẩm thấp càng trở nên hiu hắt, nghe thấy tiếng xe máy cà tàng của cha ngoài đầu ngõ, đứa trẻ 3 tuổi mừng rỡ reo lên "Mẹ ơi! Cha về…".
Những tấm vé số là cần câu cơm của cả nhà anh Chính
Vì mỗi ngày phải túc trực chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho vợ, anh Chính không thể đi làm ăn xa để cải thiện thu nhập
Đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, anh Chính thất thần tiến đến bên vợ: "Hôm nay ế quá, tui bán có được 80 tờ" rồi thở dài chua chát.
Mười mấy năm nên nghĩa vợ chồng, chưa bao giờ anh Chính lại cảm thấy bản thân mình bất lực đến vậy. Vợ bệnh, con thì thơ dại trong khi ở vùng quê nghèo, kiếm từng bữa ăn đã khó chứ nói gì đến số tiền lớn lo thuốc men, chữa trị lâu dài cho chị Thắm.
Nắm lấy bàn tay vợ, anh Chính an ủi: "Rồi từ từ kiếm cách, mình không được bỏ tui đâu nha".
5 tháng là một khoảng thời gian nhỏ trong hành trình mười mấy năm của hai vợ chồng nhưng nó đã đổi thay tất cả. Ước gì chị Thắm không bệnh, cả gia đình không phải chạy vạy từng bữa cơm trong sự bất lực, lo lắng sẽ mất nhau…