Từ trụ cột gia đình, 10 năm qua, chứng bệnh u lưỡi, hoại tử chân khiến anh Toàn không thể đi đứng, chỉ biết sống dựa vào sự trợ giúp của vợ con. Hai đứa trẻ vì để có tiền chạy chữa cho cha đã nghỉ học đi làm, nhưng rồi cuối cùng, tiền viện phí cạn kiệt mà bệnh tình của anh Toàn vẫn chưa thuyên giảm.

Quang Huy (TH) 08:26 25/04/2022

10 năm dằn vặt của người cha "vô dụng"

Chiều muộn, bên trong cánh cửa phòng bệnh tại khoa Ngoại chỉnh hình - BV Phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp, chị Huỳnh Thị Thùy (36 tuổi) cặm cụi lau vết thương lở loét ở chân cho chồng.

Chứng bệnh u lưỡi, hoại tử chân trái khiến anh Toàn "sống dở, chết dở"

Đã một tháng qua, bệnh viện là nơi tá túc của chị Thùy trên hành trình tìm sự sống cho anh Lưu Văn Toàn (38 tuổi, ngụ xã An Phúc, huyện Đông Hải, Bạc Liêu), mắc bệnh u lưỡi, hoại tử, nhiễm trùng chân trái. Sau 3 lần chuyển viện từ Bạc Liêu lên TP.HCM điều trị, anh Toàn may mắn giữ được mạng sống, tuy nhiên bàn chân sưng đen, vết loét hở nhiễm trùng nặng khiến anh Toàn không thể đi lại được.

"Giờ ảnh nằm một chỗ để chờ cơ hội phẫu thuật, chị không biết ảnh có cầm cự được không nữa", chị Thùy nhìn chồng chua xót.

Sau mỗi lần ra vào viện, hi vọng sống của anh Toàn ngày một mong manh hơn...

Theo chị Thùy, sau khi phát hiện bệnh u lưỡi vào năm 2012, anh Toàn được đưa lên Cần Thơ để phẫu thuật cắt bỏ một phần lưỡi, tuy nhiên bệnh vẫn tái phát, lưỡi liên tục lở loét, nổi mụn đen, phải uống thuốc để cầm cự. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng anh Toàn mất đi sức lao động, chỉ có thể quanh quẩn ở nhà làm những công việc lặt vặt, một mình chị Thùy phải quán xuyến kinh tế gia đình.

3 năm trước, vì không thể gắng gượng lo cho 2 đứa con ăn học, chị Thùy quyết định cho 2 đứa trẻ nghỉ học. Khi đó, đứa con gái lớn của chị Thùy đang học lớp 9, còn đứa em chỉ học đến lớp 3.

"Khi ảnh bị cái chân sưng lên, không di chuyển được, tiền thuốc men chạy chữa, chị không thể nào kham nổi đành cho 2 đứa nhỏ nghỉ học. Con bé lớn học giỏi lắm mà nó xin nghỉ để đi làm phụ tiền lo cho cha…", nói đến đây, chị Thùy bật khóc.

Chị Thùy nghẹn ngào khi nhắc đến đứa con gái lớn, vì hoàn cảnh gia đình phải nghỉ học, đi phụ việc cho người ta...

"Giờ nó đi lột tôm cho người ta, ngày có được 100 ngàn thôi, làm từ 3h sáng đến 17h chiều mới nghỉ, thương con mà số phận gia đình mình như vậy, chị cũng không có cách nào khác".

Theo chị Thùy, một phần bệnh tình của anh Toàn cứ dai dẳng không dứt vì điều trị không liên tục. Khi nào bệnh tái phát, đau đớn thì 2 vợ chồng khăn gói lên bệnh viện, được phân nửa, hết tiền lại quay trở về nhà chịu đựng. Đến giữa tháng 3/2022, vì chân trái hoại tử nặng, sưng tấy, đường cùng, 2 vợ chồng lên TP.HCM để nuôi hi vọng được "sống tiếp".

Nằm trên giường bệnh, nhìn đôi chân co quắp, anh Toàn bật khóc: "Anh cũng hi vọng được chữa khỏi để về đi mần ăn đồ, mấy năm qua khổ lắm, cứ điều trị được một thời gian lại hết tiền về nhà, tới lui hoài hết bệnh nọ đến bệnh kia, chỉ biết trách mình làm vợ con phải khổ".

Hai chân của anh Toàn viêm loét, riêng chân trái có vết thương hở, phải hút dịch nhầy ra ngoài

Mình chết thì khỏe cái thân, nhưng vợ con biết làm sao…

Đưa đôi bàn tay run rẩy nắm lấy tay chị Thùy, anh Toàn không biết chuyến đi lần này của 2 vợ chồng sẽ cầm cự được bao lâu khi tiền bạc trong người mỗi ngày một cạn.

Hai mấy triệu chị Thùy đi vay mượn, bốc nóng bốc nguội của người ta chẳng còn được bao nhiêu khi mà viện phí, thuốc men mỗi ngày một nhiều. Có lúc khổ quá, anh Toàn nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng nghĩ đến 2 đứa con còn thơ dại, chưa nghề nghiệp, chưa gia đình, anh lại không nỡ buông xuôi.

Gần 20 năm nên duyên vợ chồng, dù cuộc sống vất vả nhưng chị Thùy chưa bao giờ than trách

"Anh làm khổ vợ con nhiều lắm, hồi bệnh tới giờ, cứ nằm nghĩ mình ên, mình chết khỏe cái thân, nhưng còn con mình chưa biết mần ăn, bỏ nó mồ côi tội lắm", anh Toàn rớt nước mắt.

Vì không có đủ tiền chạy chữa, lúc tái phát bệnh, hai vợ chồng lại đi vay mượn bà con, ai thương thì thì cho mượn nợ không lấy lời, nhiều lúc không xoay xở được, anh Toàn đành phải ở nhà chờ đợi.

"Cứ có tiền lên viện, hết tiền về nhà, anh không biết còn chờ được bao lâu nữa. Số mình nghèo khổ bệnh hoạn, biết sao giờ, anh chỉ mong làm sao có đủ tiền để trị cái giò cho nó hết, khỏe mạnh về rồi con đi làm lo cho vợ con. Nhiều đêm nằm suy nghĩ tội cho con mình, 2 đứa còn nhỏ mà phải đi bươn chải, xót lắm", anh Toàn nghẹn lời.

Sau khi từ BV Chợ Rẫy chuyển sang, anh Toàn được các bác sĩ khoa Ngoại chỉnh hình theo dõi, điều trị phần viêm loét ở chân trái

Từ ngày anh Toàn mắc bệnh, cuộc sống của gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Có đợt nhà hết gạo, mấy mẹ con mới nấu cháo ăn cầm cự, hàng xóm thấy vậy mới mang cho ít gạo. Mỗi lần nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình, chị Thùy không cầm dược nước mắt.

"Mấy đứa nhỏ động viên mẹ, nói mẹ ráng mần mà lo cho cha, đừng bỏ cha. 10 năm rồi chị cũng mệt lắm chứ, mà phải ráng chịu, con mình đã khổ lắm rồi, giờ mà ảnh mất nữa, con mình mồ côi không biết sao.

Gần 20 năm nên duyên vợ chồng, trước ảnh thương chị lắm, sợ chị cực khổ nên ráng đi làm lo cho vợ con, có ai nghĩ bệnh tật vậy đâu. Sống với nhau từ đó đến giờ, sao mà bỏ chồng bỏ con được, chị biết ráng làm thôi", chị Thùy tâm sự.

Cơm từ thiện giúp hai vợ chồng cầm cự suốt 3 tuần tại bệnh viện

Theo chị Thùy, số tiền vay mượn để đưa anh Toàn lên bệnh viện điều trị đã hết, mấy ngày qua, 2 vợ chồng sống nhờ cơm từ thiện ở trước cổng bệnh viện. Riêng về vấn đề viện phí, thuốc men cũng như ca phẫu thuật, chị chẳng cách nào xoay xở được.

"Chị chỉ mong có ai giúp đỡ để ảnh nằm thêm ở bệnh viện, chứ giờ đưa về nhà, sợ ảnh không qua khỏi…", nắm lấy bàn tay co rúm của anh Toàn, chị Thùy bật khóc.

Trong căn phòng bệnh, hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau. Hi vọng và cầu mong, một phép màu sẽ đến để giúp anh Toàn có thêm cơ hội để sống tiếp…

 

Theo Văn Tiên/Tổ Quốc