Dù cho Tải bị bại não bẩm sinh, anh Tới vẫn xem con như "bảo bối" của cuộc đời mình. 16 năm qua, hai vợ chồng dành hết tình yêu, tiền bạc để giúp con duy trì sự sống. Nhưng rồi đùng một cái, chị Trang phát hiện bị u não, suy tim khiến anh Tới chết lặng…
Trời nắng thì có việc, mưa xuống phải nghỉ ở nhà, một ngày 220 ngàn, đó là tất cả những gì anh Nguyễn Văn Tới (40 tuổi) có thể kiếm được từ công việc phụ hồ để duy trì sự sống cho vợ và đứa con trai bệnh tật.
Từ nhiều năm nay, người dân ở ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã quen với hình ảnh người đàn ông lam lũ, ngày ngày chạy chiếc xe máy cà tàng đi làm để nuôi sống cả gia đình.
Nguyễn Văn Tải (SN 2006) là đứa con trai duy nhất của anh Tới và chị Trần Thị Trang (35 tuổi). Bất hạnh thay, từ khi chào đời, Tải đã không giống như những đứa trẻ bình thường khác. Sau cơn sốt kéo dài, đứa trẻ chẳng nói năng, đi đứng gì được. Đưa con đi hết bệnh viện từ quê lên TP.HCM, kết quả mà vợ chồng anh Tới nhận được là chứng bại não bẩm sinh của Tải.
"16 năm rồi nó cứ vậy, chỉ biết ú ớ cười đùa rồi ngồi một chỗ. Anh cũng không biết nó có nhận ra cha, ra mẹ nó không, mình cười thì nó cũng cười", nói đoạn, anh Tới quay về phía chị Trang, buồn bã: "Mẹ nó cũng bệnh nát rồi, anh giờ không biết tính sao nữa".
Theo anh Tới, dù biết Tải mắc bệnh bại não, không thể giống như những đứa trẻ bình thường khác nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại muốn dành trọn tình yêu thương của 2 vợ chồng để bù đắp cho Tải nên anh chị quyết định không sinh thêm em bé. 16 năm ròng nhìn con ú ớ khóc cười, dẫu chưa có được hạnh phúc trọn vẹn nhưng anh Tới vẫn hết mực yêu thương, lo lắng cho gia đình nhỏ của mình.
"Nhưng mà giờ vợ anh bệnh nhiều quá, bác sĩ nói viêm phổi, suy tim, còn chẩn đoán có khối u não nữa", anh Tới bật khóc.
Ôm đứa con trai vào lòng, chị Trang tỏ vẻ mệt mỏi sau nhiều ngày chống chọi với bệnh tật. Dù mang trong mình căn bệnh thoát vị đĩa đệm từ lâu, chị Trang vẫn cáng đáng hết mọi công việc trong nhà, >chăm sóc con trai bại não lẫn cha chồng bị tai biến. Nào ngờ sau một trận ốm dài, kết quả mà chị nhận được từ bác sĩ khiến cả nhà chết lặng…
Đưa đôi tay quệt nước mắt, chị Trang cho biết mấy tháng qua, sự sống của chị dựa hết vào số thuốc tây có được.
Chị Trang đau xót khi nhắc đến bệnh tình của bản thân
"Lúc có tiền chị uống thuốc thì nó đỡ đỡ, chứ chị chưa có đi khám ở thành phố bao giờ. Bác sĩ ở đây chỉ nói là có khối u não rồi bảo mình đi tuyến trên nữa nhưng chị không dám. Tiền ăn mỗi ngày còn khó chứ lấy đâu tiền chị đi chữa bệnh. Nhà mình nghèo, có ai dám cho mượn đâu", chị Trang nghẹn lời.
Ngồi trong lòng mẹ, Tải ngây ngô cầm lấy món đồ chơi nhỏ của mình, chốc chốc lại phá lên cười một cách ngây dại. Nhìn vợ, nhìn con, anh Tới chỉ biết quay mặt đi chỗ khác.
"Những ngày không có việc làm, anh như người mất hồn, thằng bé cứ ăn rồi bệnh suốt. Mọi người nói sao hai vợ chồng không kiếm thêm đứa nữa, giờ một đứa còn lo chưa xong nên anh chị nào dám. Dù sao thằng bé cũng là con, máu mủ của mình. Nó có tật nguyền, không nói được vẫn là con mình, phải lo cho nó chứ sao mà bỏ được. Giờ anh chỉ mong làm sao vay mượn được tiền để đưa vợ đi khám, chứ kéo dài thế này, anh sợ vợ anh sẽ không trụ nổi…", anh Tới tâm sự.
Cố gượng ngồi dậy để uống nước, ông Nguyễn Văn Hiếu (71 tuổi, cha anh Tới) cho biết cũng vì ông đau ốm khiến hai vợ chồng anh Tới thêm phần vất vả. 6 năm trước, sau cơn tai biến, ông Hiếu chỉ còn nằm một chỗ, dù được con trai đưa đi chạy chữa, khi nào khỏe, ông cũng chỉ có thể chống gậy đi chập chững quanh nhà. Nhìn thấy vợ chồng con trai khổ càng thêm khổ, ông Hiếu chỉ biết trách bản thân mình.
"Giá mà ông chết sớm hơn thì hai vợ chồng nó đỡ khổ", ông Hiếu chua xót nói.
Nhìn căn nhà cấp 4 xập xệ chẳng có lấy một vật đáng giá, chị Trang chẳng biết mình có thể cầm cự được bao lâu nữa. "Giờ nếu không có tiền đi chữa bệnh chị cũng chịu thôi chứ mình nghèo có ai cho mượn nợ đâu. Chị chỉ sợ ngày mình đi, bỏ lại chồng con. Nhà thì đã khổ lắm rồi mà giờ chị còn là gánh nặng cho ảnh nữa", chị Trang nuốt nước mắt.
Nghe chị Trang nói vậy, anh Tới chỉ biết nắm chặt lấy đôi bàn tay vợ, an ủi: "Có phải em muốn bệnh tật đâu, phải cố gắng lên mà sống vì anh, vì con".
Có lẽ, điều mà anh Tới mong mỏi nhất lúc này là chị Trang có điều kiện để được thăm khám, chữa bệnh. Anh cũng chưa thể hình dung được một ngày nào đó, nếu chị Trang mất đi, anh và đứa con trai khờ khạo sẽ sống tiếp như thế nào…