Luật sư cho rằng, trong trường hợp nếu kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn xác định việc tiêm nhầm thuốc để uống có mối liên quan đến cái chết của cháu bé thì điều dưỡng viên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh".
Vụ việc cháu bé 8 tháng tuổi tử vong sau mũi tiêm của nữ điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đang gây bức xúc cho dư luận. Lãnh đạo bệnh viện này đã thừa nhận sai sót trong quá trình điều trị cho cháu bé. Cụ thể là nữ điều dưỡng đã thực hiện sai quy trình chuyên môn trong sử dụng thuốc, thực hiện sai đường dùng là tiêm tĩnh mạch thay cho đường uống theo y lệnh.
Hiện bệnh viện Đông Anh đã đình chỉ công tác 30 ngày đối với điều dưỡng Hoàng Thu Trang, người trực tiếp dùng thuốc uống để tiêm cho cháu bé.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ chuyên môn của nữ điều dưỡng này và đội ngũ y bác sỹ liên quan đến vụ việc này. Sau khi nạn nhân tử vong, người nhà cháu bé đã mời luật sư vào cuộc để làm các thủ tục, tiến hành khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) là luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí cho gia đình nạn nhân chia sẻ, cơ quan điều tra cần thiết trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn pháp y tử thi, làm rõ nguyên nhân chết của nạn nhân để có căn cứ xử lý vụ việc.
Trên cơ sở kết luận giám định, Cơ quan điều tra sẽ xem xét đánh giá vụ việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự về "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.
Phân tích kỹ hơn, luật sư Thơm cho biết, phía bệnh viện đã thừa nhận cái chết của cháu bé có liên quan đến việc điều dưỡng viên của Bệnh viện Đông Anh dùng thuốc kali clorid 10% (2,5 ml) tiêm tĩnh mạch cho trẻ.
Trước đó, bác sĩ khám và chẩn đoán bé gái bị tiêu chảy cấp có mất nước, viêm họng cấp, theo dõi tim bẩm sinh. Do cháu có biểu hiện mệt, khát nước, bụng mềm nên được chỉ định dùng kali clorid 10%/5 ml x 1 ống (uống 1/2 ống/lần). Như vậy, việc điều dưỡng viên đã dùng thuốc chỉ định Bác sỹ để uống nhưng do nhầm lẫn đã dùng để tiêm vào tĩnh mạch cháu bé là không thực hiện đúng theo y lệnh của Bác sỹ, vi phạm quy định của ngành y.
"Kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn nếu xác định việc >tiêm nhầm thuốc để uống có mối quan hệ nhân quả làm cháu bé tử vong thì điều dưỡng viên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Khoản 1 Điều 315 Bộ luật hình sự 2015", luật sư Thơm chia sẻ.
Tuy nhiên, trường hợp phạm tội của điều dưỡng viên xảy ra trong mối quan hệ khám chữa bệnh, thuộc loại tội nghiêm trọng do lỗi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng và nếu được người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Việc miễn trách nhiệm hình sự sẽ do các cơ quan tố tụng quyết định cân nhắc xem xét đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả gây ra do hành vi vi phạm.
Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu: Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho >sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.