Một nam thanh niên Trung Quốc trong vai "cái bang", hành nghề ăn xin trá hình tại biển Đà Nẵng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện và đưa về nước.

06:00 27/06/2019

Ngày 26/6, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng), cho biết đã phối hợp với Sở Ngoại vụ Đà Nẵng làm các thủ tục đưa một thanh niên Trung Quốc “hành nghề” ở Đà Nẵng về nước.

Trước đó, khoảng 13h30 chiều 25/6, người dân phát hiện 1 nam thanh niên ngoại quốc >ăn xin trá hình tại khu vực Lăng Ông (Công viên Biển Đông, P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà) nên chụp ảnh, đăng tải trên Facebook.

Nam thanh niên Trung Quốc (áo đen) bị phát hiện ăn xin trá hình ở Đà Nẵng.

Nhận phản ánh, Đội Quản lý trật tự du lịch biển (BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) đã tiếp cận và xác định anh Kiếm đã có hành vi xin tiền nên bàn giao cho CAP Phước Mỹ.

Tại đây, đối tượng có xuất trình giấy tờ tên He Jian Jian (26 tuổi, ngụ TP.Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và 1 giấy chứng nhận là người tàn tật, câm điếc của cơ quan chức năng Trung Quốc.

 Qua kiểm tra, anh này mang theo một số móc khóa gắn điện thoại cùng một tấm giấy ép nhựa nội dung: “Xin chào, thưa bà, thưa ông! Tôi là một người câm điếc, tôi muốn anh cho người khuyết tật tạo hoa văn đẹp để dâng một bàn yêu thương. Tôi dùng một trái tim và tinh xảo thủ công để làm đồ trang trí nhỏ đẹp đẽ. Hi vọng nó mang đến cho anh được bình an”. Trên tờ giấy này còn ghi giá một món đồ là 50.000 đồng, hai món là 80.000 đồng.

Tờ giấy để Kiếm hành nghề ăn xin ở Đà Nẵng.

Theo 1 cán bộ của Đội Quản lý trật tự du lịch biển cho biết, tuy mang theo đồ để bán nhưng đội theo dõi, phát hiện anh này không bán hàng mà chỉ xin tiền du khách ở các hàng quán ven biển.

Thanh niên này sẽ được cơ quan chức năng bố trí xe đưa về cửa khẩu Lạng Sơn để trở lại Trung Quốc.

Trước đó, ngày 22/6, "cái bang" Trung Quốc Zhou Aizu (66 tuổi) 2 lần quay lại Đà Nẵng ăn xin trá hình cũng đã bị đưa về nước.

Được biết, gần đây tại Đà Nẵng tái diễn cái bang Trung Quốc ăn xin trá hình ở các quán xá, trong khi nhiều năm qua Đà Nẵng quyết liệt thực hiện chương trình 5 không, 3 có, trong đó mục tiêu “không có người lang thang xin ăn” và cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến phố. Đồng thời, lập lực lượng 550 để đưa người lang thang xin ăn về Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc, bàn giao về địa phương nếu là người ngoại tỉnh. Còn với người nước ngoài thì Phòng Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp Sở Ngoại vụ vận động về nước.

Theo Hà Nam/Trí thức trẻ