Khi bị can Lê Thu Vân ra đầu thú sau thời gian bị truy nã, vụ án xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" sẽ được các cơ quan tố tụng giải quyết ra sao? Mới đây, luật sư Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) đã lên tiếng.
Liên quan đến vụ án Tịnh thất Bồng Lai, theo thông tin từ báo Công an nhân dân, trước đó Lê Thu Vân (SN 1957, quê Cần Thơ) bị khởi tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 28/7, Đại tá Văn Công Minh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An xác nhận bị can Lê Thu Vân đã nhờ luật sư tư vấn hướng dẫn ra đầu thú. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã cử tổ công tác đến TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bị can
Theo đó, khoảng 22h ngày 27/7, bị can Lê Thu Vân đã tìm đến 1 trong 5 luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai” để nhờ tư vấn và hướng dẫn ra Công an đầu thú. Phía luật sư đã liên hệ với phía Công an phường để được hướng dẫn. Do tuổi cao, sức khỏe yếu, bị bệnh hiểm nghèo nên đến sáng 28/7, Lê Thu Vân mới đến Công an trình diện. Việc tiếp nhận bị can Lê Thu Vân ra đầu thú có bố trí cả nhân viên y tế và xe cấp cứu, tránh trường hợp bệnh tình bị can Lê Thu Vân trở nặng.
Bàn về sự sự dựa trên góc độ pháp lý, theo thông tin từ báo Người Lao Động, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), cho rằng trong vụ án hình sự có thể có một hoặc nhiều bị cáo đóng những vai trò khác nhau. Nếu vụ án có nhiều bị cáo và trong quá trình điều tra, một trong số những bị can đó trốn hoặc không biết đang ở đâu thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành ra quyết định truy nã bị can với nội dung được quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Ngoài ra, nếu xét thấy việc bỏ trốn của bị can đó sẽ làm ảnh hưởng đến thời hạn tố tụng thì cơ quan điều tra căn cứ vào khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 để ra quyết định tách vụ án hình sự đối với bị can này nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Nếu trong giai đoạn điều tra mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước, rồi sau đó là đến tạm đình chỉ điều tra vụ án. Khi đã bắt được hoặc bị can đến đầu thú thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc tiến hành quá trình tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) cũng giống như những vụ án hình sự khác.
Bên cạnh đó, tại phiên tòa xét xử bị cáo này, nếu cần thiết sự có mặt của những bị cáo (hoặc bị án) khác nhằm làm rõ những tình tiết còn mâu thuẫn tại phiên tòa, tòa án vẫn có quyền triệu tập để tham gia trong phiên xét xử bị cáo này.
Theo thông tin từ VTC News, sáng ngày 29/7, thông tin từ cơ quan chức năng xác nhận, bị cáo Lê Tùng Vân vừa nộp đơn kháng cáo bản án 5 năm tù mà TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tuyên hôm 21/7 trong vụ án xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai.
Theo nội dung đơn kháng cáo, bị cáo Lê Tùng Vân cho rằng mình già nua, không ra khỏi nhà, suốt ngày nằm võng, kể cả lúc khách tới thăm. Bị cáo không biết bấm điện thoại, không biết sử dụng mạng xã hội, chỉ lo dạy bảo con cháu cùng tu tập, không lợi dụng dân chủ nên không có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hay tổ chức, cá nhân nào...
Trong đơn, bị cáo Lê Tùng Vân khẳng định, mình không mạo nhận, mạo danh đức Phật, không phỉ báng đạo Phật, không xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cũng không xúc phạm Công an huyện Đức Hòa.
Bị cáo Vân cho rằng mình và một số người ở “Tịnh thất Bồng Lai” là nạn nhân bị làm nhục và bị vu khống trong thời gian dài.
Cũng theo đơn kháng cáo, bị cáo Lê Tùng Vân đề nghị tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, tuyên ông và các đệ tử của mình không phạm tội, trả tự do, đình chỉ vụ án.