Trong môi trường hẹp của máy bay, số lượng người dương tính rất lớn, do đó độ đậm đặc của virus rất cao. Ngay từ đầu, các bác sĩ đã chuẩn bị nhiều kịch bản, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể.
7h30 sáng 28/7, chiếc Airbus 350 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cất cánh rời Hà Nội đi Guinea Xích Đạo, sẵn sàng đón 219 công dân về nước an toàn. Trong số họ, 120 người được xác định nhiễm Covid-19. Máy bay được chia làm 4 khoang. Khoang đuôi dành cho bệnh nhân dương tính, khoang tiếp theo dành cho người âm tính hoặc chưa có kết quả xét nghiệm. Sau đó đến nhân viên y tế và tổ bay. Giữa các khoang có máy lọc không khí và ngăn cách bằng các tấm nhựa dẻo PVC.
Đồng hành cùng tổ bay là đoàn công tác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó khoa Cấp cứu cho biết, đoàn gồm 4 người: 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Ngay khi nhận lệnh của Bộ Y tế, họ đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng từ trang thiết bị, máy móc, thuốc men. Đặc biệt, tại "khoang dương tính" đã trang bị 2 cáng để cấp cứu bệnh nhân trong tình huống xấu nhất trên máy bay.
Bên cạnh đó, tổ y tế còn mang theo hai máy thở, hai máy khí dung, monitor theo dõi và một số dụng cụ nội khí quản, bình oxy để cấp cứu cho bệnh nhân khi cần.
Do tỷ lệ bệnh nhân dương tính chiếm khoảng 50%, có 5-7 người bệnh nặng, để chống lây nhiễm chéo, trên máy bay được lắp đặt 4 buồng áp lực dương, mỗi buồng có trọng lượng 7-8kg, thao tác trong vòng 5 đến 7 phút.
Theo bác sĩ Hùng, buồng áp lực dương, nguyên lý cơ bản không khí được bơm vào, tạm hiểu là không khí "sạch", có thể cản 99% virus. Trong tình huống nhân viên y tế và phi hành đoàn cần thao tác nhiều nguy cơ, như khi bỏ khẩu trang trong lúc ăn, sẽ hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Anh chia sẻ, bản thân rất vinh dự và tự hào khi được giao nhiệm vụ đặc biệt, nhưng cũng cảm thấy lo lắng.
"Đây là chuyến bay chưa có tiền lệ, là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Trong môi trường hẹp của máy bay, số lượng người dương tính rất lớn, do đó độ đậm đặc của virus rất cao. Ngay từ đầu chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể", anh nói.
Ban đầu, chuyến bay dự kiến vào ngày 3/8, tuy nhiên đã bị đẩy lên sớm một tuần. Đội ngũ bác sĩ đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị mọi phương án, đặc biệt đào tạo tháo lắp và mặc thiết bị phòng hộ cho tiếp viên hàng không vì họ không phải nhân viên y tế, chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi có thể khiến các tình huống xấu xảy đến.
"Khâu dễ lây nhiễm nhất là khi bệnh nhân ăn khiến virus phát tán rất nhiều. Chúng tôi chia ca ra để ăn, không để nhiều bệnh nhân cùng ăn một lúc. Ví dụ chỉ có 10 hoặc 20 người cùng ăn, cùng một thời điểm ít người tháo khẩu trang nhất", bác sĩ Hùng cho biết.
Ban đầu, trước khi đón công dân lên máy bay, các bác sĩ sẽ sàng lọc, phân chia bệnh nhân theo mức độ nặng nhẹ. Ưu tiên bệnh nhân nặng ngồi phía trên để nếu có biến cố sẽ được cấp cứu kịp thời. Trong chuyến bay có thể phát sinh nhiều tình huống khác và tổ y tế sẽ linh hoạt xử trí.
Sau 12 giờ bay đến Guinea Xích Đạo, máy bay sẽ có 3 tiếng nạp nhiên liệu, sau đó bay ngược về Hà Nội. Theo kịch bản dự kiến sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài, công dân sẽ được các xe chuyên dụng của Bộ Quốc Phòng vận chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Qua sơ bộ, đến thời điểm này, >sức khỏe các công dân đều ổn định, 11 bệnh nhân đã âm tính ban đầu. Họ sẽ được chia về 3 khoa cách ly, gồm Virus - Ký sinh trùng, Nội tổng hợp và Nhiễm khuẩn tổng hợp. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng, sẽ đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Cấp cứu.