Sáng nay, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Thăng mong HĐXX xem xét để ông được tại ngoại, được ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân trước khi chấp hành án.
Sáng 17/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí - PVN) và 21 bị cáo bước sang ngày làm việc thứ 10.
Phiên tòa diễn ra muộn khoảng 40 phút so với dự kiến. Lúc 8h40, bị cáo Đinh La Thăng mặc áo khoác tối màu bước lên bục dành cho các bị cáo, lấy từ trong túi áo ra một tờ giấy đã viết từ trước để nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.
Với 25 phút, cựu Chủ tịch PVN gửi lời cảm ơn HĐXX đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan, theo đúng tinh thần cải cách tư pháp và luật mới. Cảm ơn các luật sư đã tham gia phiên tòa với trách nhiệm cao.
Sau khi nhắc lại chuyện vào nghề hơn 30 năm trước, bị cáo Thăng nói không bao giờ nghĩ bản thân phải đứng trước tòa nói lời sau cùng. Điều này thực sự đau xót với ông và gia đình.
Theo lời bị cáo, ông luôn làm việc hết trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi vợ sinh con ông cũng không có ở nhà mà phải đi đến các công trường.
Bị cáo sinh năm 1960 cho biết bản thân luôn nỗ lực, cố gắng làm tròn trách nhiệm với cương vị người đứng đầu. Những người nguyên là lãnh đạo ở PVN phải đứng trước tòa hôm nay là trách nhiệm của ông.
5 năm là người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải, bị cáo Thăng nói còn nợ nhân dân tuyến đường sắt Bắc Nam, một sân bay Long Thành, một đường cao tốc Bắc Nam. Ông còn nợ người dân vùng sâu vùng xa hàng trăm cây cầu.
Ở TP.HCM bị cáo nợ người dân khát vọng trở thành TP đứng đầu Đông Nam Á, một TP không trộm cắp, cướp giật… Biến Củ Chi thành trung tâm TP mới ở tây bắc TP, nợ người dân Sài Gòn biến nơi đây thành Singapore mới, nợ người dân sống trong căn nhà ổ chuột đến nơi ở mới văn minh, sạch sẽ hơn và còn nhiều món nợ, chỉ là ý tưởng.
Hôm nay đứng trước tòa nói lời sau cùng và đối mặt án phạt nghiêm khắc, bị cáo Thăng một lần nữa cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân, các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, giao thông vận tải...
Cựu Chủ tịch PVN mong HĐXX xem xét cho bị cáo được tại ngoại để có điều kiện chăm người bố 87 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo, ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân, sau đó chấp hành án phạt tù.
Một lần nữa ông Thăng mong HĐXX xem xét cho các bị cáo không có động cơ cá nhân, vi phạm vì sự quyết liệt với công việc. "Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho tất cả các bị cáo đó", cựu Chủ tịch PVN nói.
Theo lời bị cáo, sau khi xử xong vụ án này, ông còn phải đối mặt với một án phạt khác cũng xảy ra tại PVN về tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN giai đoạn 2006-2011. Bị cáo cho rằng không thể lường trước được lời nói cuối cùng ngày hôm nay, lời nói cuối cùng trong trong phiên tòa sắp tới và có còn lời nói cuối cùng nào nữa không trong thời gian tới. Vì vậy, bị cáo mong HĐXX xem xét để có đường lối xử lý, đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước.
Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định. Sau đó, cựu Chủ tịch PVN tiếp tục chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.
Nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.
Đại diện VKSND đề nghị mức án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh án chung thân. Các bị cáo khác bị đề nghị 24 tháng tù treo đến 28 năm tù.
Trong phần tranh luận kết thúc chiều qua (16/1), luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo của PVN đều cho rằng thân chủ của họ không cố ý làm trái quy định. Người bào chữa và các bị cáo này cho rằng cách tính thiệt hại của cơ quan giám định không có căn cứ.
9 trong số 10 bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc nhận 4 tỷ đồng tiêu Tết và cùng một số bị cáo sử dụng chung 1,5 tỷ. Ngoài ra, bị cáo Thanh và luật sư bào chữa nói ông không cố ý làm trái, đề nghị HĐXX tìm tội danh khác phù hợp với hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT PVC.
Tại phiên tòa, cơ quan công tố xác định ông Đinh La Thăng giữ vai trò chủ mưu, các bị cáo ở PVN biết hợp đồng EPC thiếu cơ sở pháp lý vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết, tạm ứng tiền sai quy định nên phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan công tố cũng khẳng định qua tranh luận đủ cơ sở xác định hành vi Tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh.
Tự bào chữa, ông Đinh La Thăng thừa nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Ông xin nhận trách nhiệm cho cấp dưới không có động cơ vụ lợi, vi phạm do sự chỉ đạo quyết liệt. Ngoài đề nghị xem xét lại tình tiết VKS cáo buộc ông là chủ mưu.
Bị cáo Thăng còn mong muốn HĐXX cho ông và các bị cáo tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được tại ngoại.