Vụ tai nạn 8 người chết ở Hải Dương khiến dư luận một lần nữa không khỏi rùng mình trước những hậu quả do các "hung thần" sau tay lái gây nên.

06:20 24/01/2019

Rất nhiều tác nhân khiến tài xế trở thành những "hung thần" đường phố, gây bất an cho cộng đồng và đau thương cho nhiều gia đình.

Ma túy

Khi Tết cổ truyền đang rất gần thì vụ TNGT nghiêm trọng cùng lúc cướp đi sinh mạng của 8 người ở Hải Dương vào chiều 21/1 khiến dư luận xót xa.

Vào 13h55 trên QL5 đoạn qua xã Kim Lương, huyện Kim Thành, xe tải đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang khiến 8 người chết, 7 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương

Xét nghiệm ban đầu cho thấy, tài xế gây tai nạn Lương Văn Tâm (28 tuổi, quê ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng; đang trọ ở khu đô thị Thanh Hà, Hà Đông, Hà Nội) có biểu hiện dương tính với ma túy.

Tại cơ quan CSĐT, tài xế Tâm khai nhận hành nghề lái xe thuê.

Chiếc xe hoàn toàn không gặp trục trặc về kỹ thuật mà do tài xế ngủ gật, tinh thần không tỉnh táo.

Công an huyện Kim Thành cho hay, loại ma túy Tâm sử dụng là ma túy đá, có khả năng gây ảo giác.

Trước đó chưa đầy 1 tháng, xe container đâm hàng loạt phương tiện dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt, huyện Bến Lức, Long An làm 4 người chết, hơn 20 người bị thương, hàng chục xe máy bị cán bẹp khiến dư luận rất bất an.

Xe container quét người và xe chờ đèn đỏ ở Long An làm 4 người chết

Xét nghiệm máu 2 lần cho thấy tài xế Phạm Thành Hiếu (SN 1987, ở Bến Lức, Long An) dương tính với ma túy.

Sau vụ việc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, sẽ siết lại hoạt động kiểm tra lái xe sử dụng rượu bia, ma tuý và thời gian lái xe tối đa để quản lý chặt hơn hoạt động của lái xe.

Trong những ngày gần đây, khi ngành chức năng kiểm tra thì phát hiện nhiều tài xế dương tính với ma túy.

Rượu bia

Những vụ tai nạn chết người, tài xế "dính" đến rượu bia cũng xảy ra khá phổ biến, khiến cho những chiếc xe giống như những quan tài bay trên phố.

Vào 23h đêm Tết dương lịch, Đỗ Thục Hân (23 tuổi, trú huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) lái xe taxi chở nhóm bạn 5 người, đến thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), thì tông vào xe máy chạy cùng chiều, rồi lao về phía trước tông vào cây xanh bên đường và lật ngửa.

Vụ tai nạn khiến 3 thanh niên ngồi băng ghế sau của taxi tử vong tại chỗ. Hân cùng 2 người khác bị thương nặng. Riêng người chạy xe máy bị thương rất nặng.

Cơ quan điều tra xác định, nồng độ cồn của Hân đo được là 1,108mg/lít khí thở và taxi chạy với tốc độ 107km/h.

Nữ tài xế đâm cả loạt xe ở ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM

Trước đó, ngày 21/10/2018, ô tô BMW do nữ tài xế Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) điều khiển, đến ngã tư Hàng Xanh, bất ngờ mất lái, tông 5 xe máy và 2 taxi khiến 1 phụ nữ tử vong, nhiều người khác bị thương.

Kết quả đo nồng độ cồn nữ tài xế là 0,94mg/lít khí thở. Bà Nga khai nhận, trước đó có uống nhiều bia, rượu tại một nhà hàng ở quận 1. Tài xế riêng xin nghỉ nên bà tự lái xe. Trên đường về, bà ngủ gục, không làm chủ được tốc độ.

Thiếu ngủ

Vụ tai nạn thảm khốc khiến 13 người chết vào cuối tháng 7/2018, trên QL1A đoạn qua thôn Trung Phú 1 (xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) còn ám ảnh nhiều người. 

Xe khách 16 chỗ do tài xế Lê Ngọc Cường điều khiển chạy theo hướng Bắc - Nam, chở theo chú rể Nguyễn Khắc Long (SN 1990) và 15 người thân từ xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) trên đường vào tỉnh Bình Định rước dâu.

Đến Km 950+700, xe khách bất ngờ đối đầu với xe container, kéo theo rờ-moóc chở thanh long chạy theo hướng ngược lại. Cú đâm mạnh khiến chú rể cùng 12 người thân tử vong, 4 người còn lại bị thương nặng.

Vụ tai nạn xe khách đón dâu thương tâm khiến chú rể và 12 người thiệt mạng

Công an tỉnh Quảng Nam nhận định, xe khách đã lấn làn trái và đâm trực diện vào xe đầu kéo; chở khách "chui", không được cấp phù hiệu và không đăng ký kinh doanh vận tải; chở khách thực hiện hợp đồng thứ 2 liên tiếp và tài xế có dấu hiệu buồn ngủ.

Nhưng do tài xế xe khách đã tử vong nên lực lượng chức năng xem xét xử lý theo quy định. Chủ xe khách phải chịu trách nhiệm liên đới vụ việc này.

Bằng giả

Theo thông tin từ Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, thuộc Sở GTVT TP.HCM, từ đầu năm đến giữa tháng 12/2018, Phòng đã phát hiện gần 300 bằng lái xe giả mạo.

Nhiều bằng lái xe giả bị phát hiện rơi vào bằng lái xe khách. Do luật quy định để được dự thi lấy bằng lái D hoặc E, người dự thi buộc phải có bằng tốt nghiệp THCS, riêng đối với bằng E còn có thêm điều kiện tuổi đời từ 27 trở lên, trong khi thực tế đa phần người muốn học lấy loại bằng lái xe chở khách đều có học vấn thấp.

Tương tự, điều kiện về thâm niên khi muốn nâng hạng bằng lái được Bộ GTVT sửa đổi chặt chẽ hơn khi buộc phải có bằng lái trước đó 3 năm. Thời gian chờ đủ thâm niên khá dài, trong khi nhu cầu mưu sinh - lái xe - thúc bách, nhiều lái xe đã dùng bằng giả.

Đạo đức

Tài xế Nguyễn Duy Hiếu (37 tuổi, trú tại Cà Mau) bị nhà xe Tuấn Hiệp sa thải vì hành động dùng chân để lái ô tô khách trên cao tốc Trung Lương - TP.HCM hồi cuối tháng 6, khi trên xe có hàng chục người. 

Đáng nói hơn, đoạn đường này có mật độ giao thông dày đặc và nhiều xe chạy với tốc độ cao.

Tài xế phân trần, do chạy xe trên tuyến đường dài, phải ngồi lâu nên có hiện tượng tê chân, bị chuột rút nên mới đưa chân lên vô lăng để co giãn.

Ngày 8/10/2018, ông Nguyễn Quang Huy, Phó GĐ công ty Xe điện Hà Nội cũng cho biết, đã đình chỉ công tác lái xe Bùi Văn Hải, tài xế tuyến buýt 07 vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Tại xế, ngoài việc phải nộp phạt hành chính từ 600-800 nghìn đồng thì bị giữ bằng từ 1-3 tháng.

Từ thực trạng đáng báo động trên, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có biện pháp nghiêm khắc để buộc các doanh nghiệp vận tải phải tuyển dụng lao động đủ điều kiện. Bên cạnh đó, phải siết chặt quy định quản lý các cơ quan đăng kiểm, cơ sở đào tạo và cấp bằng lái xe và cả lực lượng thực thi giám sát như CSGT, thanh tra giao thông.

Riêng lái xe cũng phải tự rèn luyện ý thức, trách nhiệm, tay nghề đảm bảo an toàn cho mình và cho cộng đồng.

Theo Đ.Bảo/Vietnamnet