Các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc -xin COVID-19 AstraZeneca hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Sáng 21/3, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm> COVID-19 mới. Hiện cả nước ghi nhận 2.572 ca nhiễm COVID-19, trong đó tổng cộng 1601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.
2.198 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh, hiện 335 bệnh nhân đang điều trị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Việt Nam hiện cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép.
Về xét nghiệm, hiện nay, số phòng có khả năng xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR là 157 phòng, công suất xét nghiệm tối đa khoảng 62.593 mẫu/ngày. Số phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định là 101 phòng với công suất xét nghiệm tối đa khoảng 50.663 mẫu/ngày.
Về tiêm >vắc-xin COVID-19, tính đến 16 giờ ngày 20/3/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 32.361 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Dự án TCMR tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm là hiếm gặp nhưng người đi tiêm chủng cần nắm được các dấu hiệu bất thường và các bệnh viện cần đến theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trong trường gặp phản ứng thông thường nhưng diễn biến nặng lên cũng cần đến cơ sở y tế sớm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, từ nay đến tháng 5/2021, COVAX sẽ cấp khoảng 4,1 triệu liều vắc xin đợt đầu tiên cho Việt Nam, do AstraZenecca sản xuất. Bộ Y tế đang tích cực, khẩn trương làm việc với COVAX để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vắc xin cho Việt Nam.
Nguồn vắc xin của AstraZeneca mua qua Công ty VNVC (khoảng 30 triệu liều), với lô đầu tiên 117.600 liều được sản xuất bởi SK Bioscience (Hàn Quốc) đã về ngày 24/02/2021.
Về các nguồn vắc xin khác, Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung.
Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021 (ngày 17/3/2021, Bộ Y tế và Tổ công tác sẽ đàm phán phương án cụ thể). Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vắc xin của Johnson &Johnson, Moderna, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)...
Ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, vắc xin do Việt Nam sản xuất gồm vắc xin Nano Covax do Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/2/2021. Vắc xin COVIVAC do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3/2021.