Gần 1 năm qua, 2 người mẹ thấp thỏm, khóc cạn nước mắt, không đêm nào yên giấc chỉ chờ con điện thoại thông báo tình hình ở Campuchia ra sao.
Theo thông tin từ báo Người Lao Động cho biết, bà Trương Thị Huệ (SN 1972, ngụ xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh >Đắk Lắk) gọi điện thông báo cho phóng viên vào sáng nay (19/9): "2 cháu cùng một nhóm người Việt Nam đã trốn được rồi, hiện đã về tới khu vực đối diện Cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh và đang chờ làm việc với lực lượng chức năng Campuchia để về nước".
Bà Trương Thị Huệ là mẹ của anh Phan Văn Mạnh (SN 1993) - người bị >lừa bán sang Campuchia tròn 10 tháng tháng qua.
Cách đây ít ngày, bà Trương Thị Huệ cho biết ngày 19/11/2021, khi đang làm việc lái xe tại tỉnh Bình Dương, Mạnh tin lời các đối tượng rằng qua Campuchia làm việc nhẹ nhàng với mức lương từ 23 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đến ngày 3/12/2021, Mạnh đã gọi về cho một người khác nhờ thông báo cho mẹ mình rằng đã bị lừa bán sang Campuchia, mong gia đình làm đơn gửi cơ quan chức năng tìm cách cứu con. Sau đó, bà Huệ đã trình báo vụ việc với cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk.
Cũng theo bà Huệ, sau khi sang Campuchia, khoảng 5 đến 7 ngày, lợi dụng lúc các đối tượng bảo vệ ngủ, Mạnh lén lút gọi điện về cho mẹ được 1 lần. Qua điện thoại, Mạnh kể có rất nhiều người Việt Nam bị giam vào một tòa nhà khép kín, mọi sinh hoạt, làm việc đều trong tòa nhà này và không được phép ra ngoài.
Tại đây, các đối tượng nước ngoài bắt làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm. Công việc chủ yếu là lên máy tính đánh cắp tài khoản ngân hàng, mạng xã hội để chiếm đoạt tiền. Lúc mới vào, các đối tượng giao chỉ tiêu cho Mạnh một tháng phải chiếm đoạt được khoảng 300 triệu đồng, sau đó số tiền tăng dần lên đến 1 tỉ đồng, 1,2 tỉ đồng/tháng. Những ai không đạt chỉ tiêu thì bị đánh đập, bỏ đói, thậm chí bán cho một công ty khác.
"Mỗi lần gọi về, Mạnh nhờ mẹ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để giải cứu. Đồng thời, nói mẹ không được nhắn tin, gọi điện gì cho Mạnh vì nếu bị phát hiện, các đối tượng tuyên bố sẽ cho ra "đảo". 10 tháng qua, đêm nào tôi cũng ôm điện thoại ngóng chờ tin con" - bà Huệ nghẹn ngào nói.
Tượng tư, bà Đặng Thị Hà (SN 1972, ngụ phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) có con là anh Phan Văn Diệu (SN 1994) cũng bị bán cùng với nhóm của anh Mạnh.
Bà Hà nghẹn ngào kể lâu lâu Diệu mới gọi điện thoại về cho mẹ 1 lần thông báo bị bắt làm việc từ 15 đến 17 giờ/ngày. Làm việc liên tục trên máy tính nên nhiều hôm mệt quá ngủ quên, ai xuống chỗ làm việc chậm 1 phút cũng bị đánh đập. Nhóm người Việt Nam ở đây cũng đã tính chuyện bỏ trốn nhưng tòa nhà có hệ thống báo động và bảo vệ canh gác nghiêm ngặt nên không tài nào thoát được. Có lần, cả nhóm chuẩn bị dây để leo từ tầng trên xuống bỏ trốn nhưng phát hiện hệ thống chuông báo động. Rất may vì đã kịp thời tiêu hủy đoạn dây, nếu không bị phát hiện thì chưa biết chuyện gì xảy ra.
"Diệu cũng thông báo nhờ mẹ chuẩn bị 100 triệu đồng để chuộc về nhưng chờ mãi vẫn chưa có cơ hội chuộc. Suốt 10 tháng qua, không đêm nào tôi ngủ được, chỉ biết ôm điện thoại mòn mỏi chờ con gọi về. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với phía Campuchia giải cứu con tôi cũng như những người Việt Nam bị bán qua đây" - bà Hà nói trong nước mắt.
Thoát được rồi mẹ ơi!
Cách đây ít ngày, 2 người mẹ mong muốn báo chí thông tin vụ việc để cơ quan chức năng Việt Nam nắm và để cảnh báo không còn ai bị lừa bán. Thời điểm đó, 2 thanh niên vẫn chưa trốn được ra ngoài mà theo phản ánh của 2 người mẹ, nếu phát hiện ai báo cơ quan chức năng sẽ bị thủ tiêu nên họ chưa dám thông tin vụ việc.
Sáng 19/9, bà Trương Thị Huệ cho biết hôm qua, lực lượng chức năng của Campuchia đã tiến hành kiểm tra một số khu vực có người Việt Nam. Lúc này, ông chủ ở đây lo sợ nên đưa nhóm của Mạnh trốn vào một căn nhà khác. Lợi dụng sự hỗn loạn, nhóm của Mạnh đã nhờ người Việt Nam sinh sống gần đó hỗ trợ, đưa tiền cho bảo vệ để họ làm ngơ cho nhóm người Việt Nam trốn thoát. Mạnh cũng thông báo mẹ vay mượn giùm 60 triệu đồng để trả tiền đã đút lót cho bảo vệ.
"Lúc 21 giờ đêm qua, Mạnh gọi về thông báo đã thoát được rồi mẹ ơi, chờ bắt xe xuống cửa khẩu. Sáng nay, Mạnh gọi thông báo đang ở khu vực đối diện cửa khẩu Mộc Bài, chờ làm việc với cơ quan chức năng Campuchia để về nước" - bà Huệ vui mừng nói.
Trước đó theo thông tin từ báo VTC News chiều 23/8, thiếu tá Võ Thanh Nhựt - Phó Đội trưởng Đội phòng chống tệ nạn xã hội mua bán người và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Phú Yên - cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, Đội tiếp nhận 10 trường hợp sang Campuchia làm việc từ đơn trình báo gia đình và đã phối hợp các cơ quan chức năng đưa 7 trường hợp về nước an toàn, 3 trường hợp vẫn phối hợp xử lý, một trường hợp gia đình chưa trình báo.
Thiếu tá Nhựt khuyến cáo, tuyệt đối không tin các lời mời gọi, dụ dỗ xuất cảnh trái phép sang làm việc tại Campuchia. Khi có nhu cầu đi lao động, công dân cần tìm hiểu kỹ, liên hệ chính quyền địa phương để được tư vấn, hỗ trợ.