Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của người đàn ông này là cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc trong dư luận...
Liên quan đến vụ nam thanh niên bị tài xế xe bán tải hành hung gãy răng, phải nhập viện vì nhắc nhở tài xế di chuyển để tránh tắc đường gây xôn xao dư luận, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đã tìm thấy và triệu tập nghi phạm này lên làm việc.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện bài đăng với nội dung một nam tài xế bị hành hung ngay giữa ngã tư do mâu thuẫn trong khi tham gia giao thông.
Theo nội dung bài viết, khoảng 21h ngày 31/12/2020, chiếc xe bán tải di chuyển từ lối rẽ đường cao tốc trên cao (vành đai 3) xuống ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân).
Lúc này, nam tài xế điều khiển xe bán tải BKS 29C-583.95 đã dừng, đỗ đèn đỏ, chờ đi thẳng ở phần đường rẽ trái. Sau 2 - 3 lượt đèn tín hiệu giao thông, chiếc xe bán tải vẫn không di chuyển khiến các xe phía sau bị ùn, tắc hàng dài. Thấy vậy, một tài xế khác đi phía sau đã xuống xe nhắc nhở thì bị tài xế xe bán tải lao xuống hành hung giữa ngã tư.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chiếc xe Toyota trong vụ việc mang BKS 29C - 583.95 thuộc sở hữu của bà V.Q.H. (trú phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội). Chiếc xe được sản xuất năm 2016, đăng ký vào ngày 17/5/2016.
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp, không giảm đi trong thời gian gần đây.
Trong vụ việc này, rõ ràng người lái xe ô tô đã gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của những người khác. Khi bị nhắc nhở thì người này không những không nghe theo mà còn hành hung người nhắc nhở mình.
"Đây là hành vi rất thiếu văn hóa, côn đồ, thể hiện ý thức coi thường pháp luật và coi thường tính mạng, danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi của người đàn ông này là >cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc trong dư luận", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Chuyên gia pháp lý này cho rằng, hành vi cố ý gây thương tích cho người khác tại nơi công cộng không những chỉ xâm hại đến >sức khỏe của người khác mà còn vi phạm đến trật tự công cộng.
Trong trường hợp nạn nhân có đơn trình báo đề nghị công an giải quyết và nạn nhân có thương tích, dù dưới 11% thì hoàn toàn có thể khởi tố người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ.
Bởi vậy, trường hợp hai bên hòa giải thỏa thuận được với nhau và nạn nhân rút đơn trước khi mở phiên tòa thì vẫn có thể xử lý người đàn ông này về tội gây rối trật tự công cộng bởi hành vi diễn ra nơi công cộng gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.